Thị trường

Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2021

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022; Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hướng dẫn chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; người tham gia bảo hiểm xã hội có thêm nhiều quyền lợi; quy định mới về hỗ trợ khi thu hồi đất… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2021.

Trung Quốc tạm dừng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn / Đại diện Công ty Acecook nói gì vụ Ireland thu hồi lô mì Hảo Hảo Việt Nam vì chứa chất độc hại?

Nhà A Ngọc Khánh nằm trong danh sách 4 chung cư cũ cấp độ D. Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Nhà A Ngọc Khánh nằm trong danh sách 4 chung cư cũ cấp độ D. Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư bổ sung Điều 1a tại Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau: Giảm 50% mức phí thanh toán tại Điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022”.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 13/2021/TT-NHNN được ban hành để tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 và triển khai thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Hướng dẫn chi cho kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên.
Đối với chi hoạt động tự đánh giá, Thông tư nêu rõ, cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để chi cho hoạt động tự đánh giá.
Đối với chi hoạt động đánh giá ngoài, Thông tư quy định các khoản chi tiền công cho thành viên đoàn đánh giá ngoài như sau: Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài, giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài (trưởng đoàn, thư ký, thành viên) phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương.
Thông tư số 56/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1/9/2021.
Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm:
- Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.
- Nhà chung cư cũ chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh thể hiện các kết cấu chịu lực chính xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Các nhà chung cư bị hư hỏng nặng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ.
- Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường…
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Người tham gia bảo hiểm xã hội có thêm nhiều quyền lợi
Ngày 1/9/2021 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội. Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể như:
- Bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng mới được nhận khoản tiền này).
- Bổ sung thêm trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.
- Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)...
Quy định mới về hỗ trợ khi thu hồi đất
Từ ngày 1/9/2021, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung 9 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Thông tư 09/2021/TT-BTNMT là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất.
Điều 4, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT đã quy định cụ thể hơn và bổ sung thêm một số trường hợp đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất như: Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai,…
Ngoài ra, khoản 3, Điều 8, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh và người sử dụng có đơn đề nghị thu hồi phần diện tích đó thì Nhà nước xem xét, quyết định thu hồi. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất còn lại phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư.
Bên cạnh hai quy định mới về hỗ trợ khi thu hồi đất, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT đã quy định thêm về hồ sơ sang tên khi chuyển nhượng, tặng cho đất. Cụ thể, dù vẫn giữ nguyên thành phần hồ sơ đăng ký khi sang tên nhà đất nhưng khi chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp thì tại đơn đề nghị theo Mẫu số 09/ĐK phải ghi rõ thông tin tổng diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho.
Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Theo đó, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.
Thông tư nêu rõ, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập. Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông tư số 61/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2021.
Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm
Thông tư số 67/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2021.
Đối tượng nộp phí gồm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… Thông tư quy định cụ thể các mức phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo quy định tại Thông tư số 67/2021/TT-BTC, trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2021.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm