Quảng Bình: Kiếm tiềm tỷ nhờ nuôi cá chình trên cát trắng
Covid-19: Xuất khẩu chè "đóng băng", nông dân quay lưng với cây chè / Đắk Nông: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp vượt bão Covid-19
Ông chủ của mô hình nuôi cá chình mà chúng tôi nhắc đến là anh Lê Hà Giang, trú phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Xuất thân là nhân viên của bán xăng, anh Giang luôn ấp ủ trong mình ước mơ làm giàu, cơ duyên đến với anh Giang khi biết đến cá chình.
Để rồi trong hơn 15 năm gắn bó với loài cá này, giờ đây anh đã xây dựng được mô hình cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhớ lại ‘cái duyên” mà con cá chình đến với mình, anh Giang cho biết đó là những lần trò chuyện cùng những vị khách là thợ câu về loài cá lạ có giá bán rất cao “chỉ có người giàu mới có để tiền mua ăn”.
Ý tưởng làm giàu với loài cá dành cho nhà giàu lóe lên trong đầu anh nhân viên bán xăng. Sau khi bàn bạc ý tưởng, vợ chồng anh Giang đã bắt tay ngay vào việc tìm hiểu về tập tính và cách nuôi thương phẩm loài cá chình.
“Khi hỏi họ cá này có nuôi được không, họ lắc đầu bảo không, nhưng mình nghĩ, cá ăn mồi câu thì chắc là mình nuôi được, thế nên mình đã tìm hiểu và nuôi. Hồi đó, tài liệu ít lắm, một số sách chỉ nói nuôi cá chình phải tạo hang cho cá ở. Vợ chồng cũng đánh liều làm thử chứ cũng không tin sẽ thành công ”, anh Giang kể lại.
Đầu năm 2007, vợ chồng anh Giang đầu tư cải tạo hai ao tại nhà với diện tích khoảng 1.600 m2, rồi mua đá đổ xuống làm hang cho cá chình ở. Nguồn cá giống thì đặt mua của những người đi câu, đặt lưới bắt cá chình tự nhiên.
Bước đầu gặp không ít khó khăn vì còn chưa có nhiều kinh nghiệm, cá được bắt từ tự nhiên nên khó khăn trong việc nuôi và phát triển rất chậm. Phải đến năm 2015, sau gần 8 năm gắn bó với cá chình, với nhiều khó khăn, thất bại, mô hình của anh Giang mới bắt đầu mang lại hiệu quả, doanh thu từ các hồ nuôi cá chình thu về trên 2 tỷ đồng/năm.
Tưởng chừng thành công đã đến với vợ chồng anh Giang thì chính cơn lũ lịch sử vào năm 2016 đã lấy đi tất cả. Gần chục hồ nuôi cá với lượng lớn cá gần thu hoạch đã bị cơn lũ lịch sử cuốn trôi.
Bao công sức, vốn liếng của vợ chồng anh Giang “đổ xuống sông, xuống biển”, ước tính thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.
Không gục ngã với khó khăn, 2 vợ chồng vẫn kiên trì, tin vào một ngày mai thắng lợi, tiếp tục vay vốn đầu tư vào cá chình, tiếp tục với niềm đam mê.
Đầu năm 2017, vợ chồng anh Giang vào tận Nha Trang học hỏi kinh nghiệm với mong muốn xây dựng lại cơ ngơi với mô hình nuôi cá chình công nghệ cao.
Nắm trong tay kỹ thuật, anh chọn vùng cát trắng làm nơi xây dựng trang trại mới với lý do mẫu nước mang đi kiểm nghiệm và cho kết quả sạch, phù hợp yêu cầu khắt khe của quy trình cũng như giải quyết được vấn đề lo lắng về thiên tai mưa lũ.
Anh Giang không còn đào hồ, đổ đá để nuôi cá mà áp dụng kỹ thuật mới, anh nuôi cá trong bể xi măng nổi trên mặt đất. Khu nuôi được che kín bằng nhà lợp mái chống nóng và hạn chế ánh sáng tối đa. Nhiệt độ nước vào trong khu nuôi đảm bảo không nóng hoặc lạnh quá. Thức ăn chủ yếu được sử dụng nguồn chế biến công nghiệp sạch.
Anh Giang cho biết nếu sử dụng nguồn thức ăn tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước và khó kiểm soát được những vi khuẩn có hại và dịch bệnh cho cá. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cá thương phẩm.
Sau khi thành công với việc nuôi và cung cấp cá thịt thương phẩm ra thị trường, anh Giang lại bắt tay vào việc cung ứng cá chình cá giống. Hiện trang trại có 6 hồ được dùng để ươm, nuôi cá giống.
Theo anh Giang, mỗi năm trang trại sản xuất được gần 4 vạn cá giống và thời điểm hiện tại đã sẵn sàng để cung cấp cho các hộ nuôi sau dịp Tết Nguyên đán. Giống cá chình của anh Giang không chỉ cung ứng cho các hộ nuôi tại Quảng Bình mà còn bán ra thị trường Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hải Phòng...
“Với 12 bể nuôi đến bây giờ thì doanh thu của chúng tôi đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm và đang phấn đấu với mục tiêu đạt 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó tôi cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với thu nhập hơn 6 triệu đồng mỗi tháng”, anh Giang chia sẻ.
Thời gian tới, anh Giang cũng sẽ mở rộng sản xuất với số bể nuôi tăng gấp đôi. Anh nhận thấy mô hình này phù hợp với vùng đất Quảng Bình và hy vọng có thể xây dựng được thương hiệu vững chắc của cá chình nuôi trên cát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm