Rau quả Việt tìm cách 'chinh phục' người Thái
Tập đoàn mẹ của Batdongsan.com.vn tăng trưởng 24% trong 4 năm liên tiếp / Dệt may 'mừng và lo' trước thềm EVFTA
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Thái Lan 4 tháng đầu năm 2020 đạt 57,8 triệu USD, tăng 244,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan chiếm 4,7%, tăng 3,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Rau quả tăng tốc sang Thái Lan
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trái cây Việt Nam đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang Thái Lan trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan đã xuất khẩu trực tiếp trái cây Việt Nam qua hệ thống phân phối của họ.
Đồng thời, mặc dù cơ cấu sản phẩm trái cây Việt Nam và Thái Lan khá tương đồng, nhưng nhiều loại trái cây Việt Nam vẫn có ưu thế vượt trội hơn.
Ví dụ như trái thanh long, thị trường Thái Lan rất thích thanh long Việt Nam vì đáp ứng yếu tố tâm linh, do đó việc tiêu thụ sản phẩm này rất tốt.
Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam hiện đã được cải thiện về chất lượng, đa dạng sản phẩm chế biến nên dễ dàng đẩy mạnh xuất khẩu sang Thái Lan.
Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho rằng Việt Nam đang xuất khẩu tốt nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi sang Thái Lan. Đó là lợi thế cần tận dụng, tăng tốc thâm nhập thị trường này hơn nữa.
Đặc biệt, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp rau quả thông qua các siêu thị bán lẻ. Đây là cửa ngõ rất quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường này.
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail của Thái Lan khẳng định: Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu trái cây vào Thái Lan, khi cộng đồng Việt kiều đông đảo đang sinh sống tại đất nước này. Trong số họ, nhiều người sở hữu các siêu thị, cửa hàng phân phối và cung cấp hàng hóa, đây là điều kiện thuận lợi để tiếp thị hình ảnh nông sản Việt với người Thái.
Còn nhiều dư địa
Tuy nhiên, theo Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, mỗi năm Thái Lan chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu trái cây tươi và 600 triệu USD để mua rau. Song, Thái Lan hiện chỉ cho cho phép nhập khẩu thanh long, xoài, nhãn và vải thiều Việt Nam. Điều đó cho thấy còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Để tận dụng dư địa này, từ đầu năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã được chỉ đạo về việc hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Thái Lan.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường này.
Bà Thanh Mỹ chia sẻ: "Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức Festival thực phẩm tại Thái Lan, trước hết chúng tôi giới thiệu những loại trái cây Việt Nam đã có mặt tại thị trường Thái như thanh long. Và nếu được cấp phép, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một số mặt hàng trái cây, rau củ khác tại chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối với các nhà nhập khẩu Thái Lan".
Trong khi đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên, các mặt hàng trái cây, rau củ Việt Nam muốn nhập khẩu vào Thái Lan, việc đầu tiên là phải tuân thủ các quy định trong bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp Thái Lan, trong đó có 2 loại giấy phép quan trọng nhất là đảm bảo về vệ sinh dịch tễ và giấy chứng nhận quy trình sản xuất an toàn dịch tễ.
Các chuyên gia Thái Lan sẽ qua Việt Nam đánh giá quy trình sản xuất, xử lý dịch bệnh này. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào Thái Lan phải giám sát kỹ về mặt sâu bệnh và phải có bảng phân tích rủi ro sâu bệnh. Khâu kiểm dịch thực vật được làm rất chặt chẽ và nếu phát hiện sâu bệnh gây hại trong các mẫu kiểm tra thì cả lô hàng sẽ bị từ chối nhập hoặc bị tiêu hủy ngay.
Ngoài ra, trái cây, rau củ trước khi xuất khẩu đều phải qua xử lý và tuân theo những yêu cầu khác về đóng gói, dán nhãn…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Trái cây đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Thái Lan (Ảnh: Tư liệu)