Thị trường

Sơn La: 'Hái ra tiền' từ trồng dâu tây

Đến xã Cò Nòi (Mộc Châu-Sơn La), ai cũng biết ông Nguyễn Đình Lâm đi đầu trong HTX trồng dâu tây sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo.

Long An: Từ bỏ công nhân, về quê làm đồng ruộng thu hàng trăm triệu mỗi năm / Hơn 38.000 tấn gạo nếp được xuất khẩu trong hạn ngạch tháng 4

Từng trồng nhiều loại cây, nhưng đến nay, ông Nguyễn Đình Lâm lại gắn bó với cây dâu tây. Cây dâu tây tuy không còn mới, nhưng đối với ông lại rất có duyên. Vì được một người tặng vài chậu dâu tây, ông đã trồng thử. Sau một thời gian, ông thấy đây là loại cây thích hợp với khí hậu địa phương nên đã chuyển sang canh tác trên diện tích lớn hơn.

Gắn bó với dâu tây

Do lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên dâu trồng phát triển chậm và bị hỏng nhiều. Quyết tâm không bỏ cuộc, ông đã đi học hỏi các mô hình trồng dâu tây ở một số địa phương, tham khảo tài liệu để tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng dâu tây và những đặc tính phát triển của loại nông sản khó tính nhưng có giá trị kinh tế cao này.

Dâu tây đòi hỏi nhiều công chăm bón. Để xây dựng được vườn dâu tây chất lượng cần có nguồn vốn lớn, sự kiên trì… Điều kiện khí hậu cũng là “trợ lực” không nhỏ.

Khó khăn trong sản xuất là mùa đông ở Mộc Châu thường có băng giá làm cho dâu chết nhiều, nhất là khoảng thời gian dâu tây ra quả, khoảng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 5 năm sau, nên theo ông Lâm, cách tốt nhất là có thể đầu tư nhà màng, nhà lưới để hạn chế sự tác động của thời tiết.

Ngoài bán quả tươi, HTX Tân Thảo còn bán chậu dâu tây cảnh và cây giống (Ảnh: TL)

Ngoài bán quả tươi, HTX Tân Thảo còn bán chậu dâu tây cảnh và cây giống (Ảnh: TL)

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, những cây dâu tây do ông trồng cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Mỗi cây có thể cho thu hoạch 0,4 - 0,5 kg quả, tính ra mỗi ruộng rộng 1.000 m2 có thể đạt năng suất trên 1,6 tấn, chỉ bán tươi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Nhận thấy cây dâu tây chính là cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân, ông Nguyễn Đình Lâm cùng một số hộ khác đã quyết định thành lập HTX Tân Thảo do ông làm giám đốc.

Các thành viên thực hiện chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả sang trồng dâu tây trên diện tích 7 ha. Trong đó, 3 ha trồng dâu để bán làm cây cảnh, diện tích còn lại là phục vụ thu hái và bán trực tiếp tại vườn.

Dâu tây hiện được HTX trồng theo diện tích mỗi ruộng khoảng 1.000 m2 để phù hợp đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Chi phí ban đầu mỗi ruộng khoảng 100 triệu đồng nhưng bù lại, cây dâu tây cho nguồn thu nhập rất đa dạng.

 

Bắt đầu từ tháng 11, HTX bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 thì bán quả chín, còn lại thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống. Như vậy, chỉ trồng một loại cây nhưng người dân vẫn có thể quay vòng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cả năm.

Nâng cao thu nhập

Sau thời gian gắn bó với cây dâu tây, các thành viên HTX đã nhận ra rằng quê hương mình chính là mảnh đất phù hợp giúp dâu tây trở thành cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân.

“So sánh về quy mô diện tích thì hiện chưa có cây trồng nào ở địa phương cho thu nhập nhiều, nhanh hồi vốn như dâu tây” - Giám đốc HTX, ông Nguyễn Đình Lâm, nhận định.

Giá bán dâu tây trung bình trong khoảng 150.000 - 300.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa dâu tây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc nhưng chất lượng tương đương nên HTX trồng ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.

 

Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2020, nhiều hộ thành viên của HTX có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán cây dâu tây cảnh. Ngoài ra, mô hình sản xuất của HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.

Sản xuất dâu tây vẫn còn tiềm năng rất lớn

Sản xuất dâu tây vẫn còn tiềm năng rất lớn

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, khoảng 80% sản lượng dâu tây của HTX Tân Thảo được bán quả tươi, 20% còn lại đưa vào chế biến. Trong đó, phần lớn khách hàng cá nhân, một số ít đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ ở trong và ngoài tỉnh.

 

Theo các thành viên, với diện tích hiện tại, HTX Tân Thảo chưa có đủ sản lượng để cung ứng vào siêu thị nên dâu tây còn tiềm năng rất lớn để phát triển, mở rộng diện tích.

Nhờ mạnh dạn trong đầu tư sản xuất, mô hình trồng dâu tây của HTX Tân Thảo đã góp phần đưa thu nhập bình quân của xã đạt 33,3 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%.

HTX đang nhận được sự quan tâm của tỉnh trong việc hỗ trợ về cơ chế chính sách, Sở NN&PTNT hỗ trợ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để HTX tiếp tục mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm