Thủ tướng: Phải xắn tay áo lên, vào cuộc gỡ khó cho sản xuất kinh doanh
DNVN - Chiều 05/5, phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, các phó thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh “phải xắn tay áo lên, vào cuộc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển ở ngành, địa phương mình”...
Covid-19 khiến lợi nhuận ngành ngân hàng phân hóa mạnh trong quý I/2020 / Thủ tướng: Ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, không để tăng trưởng GDP quá thấp
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 lên hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, các ngành xây dựng, dịch vụ, vận tải, hàng không, du lịch… Ngành hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm 94,2%. Doanh nghiệp nước ta gặp rất nhiều khó khăn, một bộ phận không ít người lao động không có thu nhập, nghỉ việc.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt. Kinh tế tăng trưởng quý 1 đạt 3,82%, dù thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều, nhưng cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định. Chính phủ đã chủ động kiểm soát lạm phát; ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ; giảm lãi suất; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về thương mại, đầu tư, lương thực và năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội sau dịch.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: QUANG HIẾU/VGP)
Trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp, với sự tham mưu kịp thời của các ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị định, chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành ngay nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phục vụ sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
“Một nghị quyết phải mang tinh thần tháo gỡ khó khăn, một nghị quyết thể hiện các cấp, các ngành phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng, kể cả vốn ODA. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển cơ sở vật chất ở nước ta, mà còn là một mục để đóng góp tăng trưởng cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội. Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn, thách thức trên mặt trận kinh tế-xã hội, coi đó là trọng tâm để tập trung phục hồi ngay các hoạt động sản xuất kinh doanh, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch.
Vì vậy, Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng, tư lệnh các ngành, lãnh đạo các địa phương nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc cụ thể, có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từng lãnh đạo cần sâu sát hơn, giải quyết kịp thời hơn những bức xúc của người dân, doanh nghiệp, nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để các cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển. Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng đề nghị các phó thủ tướng, các bộ trưởng, các chủ tịch UBND các tỉnh “phải xắn tay áo lên, vào cuộc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển ở ngành, địa phương mình trong phạm vi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao”. Lãnh đạo phải đi trước một bước, phải trăn trở, suy nghĩ, lo lắng cho việc khó khăn của đất nước; động viên, giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, khích lệ kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó cần chú trọng công tác phân tích, dự báo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách ở các bộ, các ngành, các địa phương.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phải chú ý các biện pháp phòng dịch. Nới lỏng khoảng cách xã hội, khôi phục các hoạt động kinh tế để phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt mức trên 5%; kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là các bộ, ngành, địa phương.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo