Thương mại Việt Nam - ASEAN 8 tháng năm 2021 đạt 46 tỷ USD, tăng 35,2%
DNVN - Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN trong năm 2020 đạt 53,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019. Năm 2021, thương mại đã phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 46 tỷ USD, tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Loạn quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh trên mạng / An Giang: Tạm giữ 4 laptop Macbook Air của nam thanh niên mua trên mạng
Thương mại song phương 8 tháng đạt 46 tỷ USD
ASEAN là khu vực thị trường gần gũi và có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam, khu vực thị trường ASEAN không ngừng phát triển trong các năm qua và đạt được các thành tựu đáng kể. Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Năm 2020, dưới các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 53,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, sang năm 2021, thương mại đã phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN tăng trưởng ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 46 tỷ USD, tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam với thế giới – 27,5%) và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19).
Bộ Công Thương cho rằng, đây là kết quả của những nỗ lực tìm hiểu, khai thác các lợi thế, cơ hội mà khu vực thị trường ASEAN mang lại. Xuất khẩu thành công sang thị trường ASEAN sẽ là bước đầu để hàng Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khác.
Thị trường ASEAN cũng là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt.
Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia...
Ngoài ra, trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.
Tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Á, trong đó có các nước ASEAN, để duy trì hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã có với khu vực thị trường ASEAN và tận dụng các cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng thị trường tại khu vực này, doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thường xuyên, liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phòng chống, kiểm soát COVID-19. Các quy định, yêu cầu này có thể thay đổi nhanh, bất ngờ, tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các nước. Thêm vào đó, việc hạn chế đi lại khiến khả năng xác thực thông tin đối tác cũng gặp hạn chế. Do đó, khi trao đổi, giao dịch kinh doanh, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác như thông tin về tư cách pháp nhân, nguồn hàng hóa, khả năng tài chính… để tránh các rủi ro khi hợp tác. Doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để đề nghị hỗ trợ kiểm tra thông tin đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng hoặc thực hiện các giao dịch.
Thứ ba, trong bối cảnh gần đây một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại hoặc biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nước trong và sau đại dịch, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp có mặt hàng bị ảnh hưởng hoặc bị điều tra.
Để tránh các rủi ro không mong muốn, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp, có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Thứ tư, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa đối tác và thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Doanh nghiệp có thể liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nhờ hỗ trợ kết nối với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối tại nước sở tại, nắm thông tin và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo