Thị trường

Việt Nam cần làm gì để 'đón sóng' dịch chuyển chuỗi cung ứng?

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những 'đứt gãy' nặng nề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó chuỗi cung ứng của mọi quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đều chịu ảnh hưởng.

Vải thiều xuất khẩu qua địa bàn Lào Cai có thể vượt 30 nghìn tấn / Xuất khẩu hạt điều khó khăn vì thị trường lớn giảm mua

Đánh giá tình hình một cách chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế canh trạnh lâu dài cho DN (Ảnh minh hoạ: Internet)

Đánh giá tình hình một cách chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế canh trạnh lâu dài cho DN (Ảnh minh hoạ: Internet)

Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để Việt Nam đón nhận đầu tư cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng là rất lớn.

Điều chỉnh lại chuỗi cung ứng

Khảo sát giám đốc tài chính (CFO) toàn cầu về Covid-19 mới nhất được PwC công bố cho thấy, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cho biết đang có kế hoạch điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và các vấn đề của bên thứ ba để chuẩn bị tốt hơn cho các khủng hoảng trong tương lai.

Cụ thể, hơn một nửa (51%) các CFO đánh giá việc xác định và phát triển thêm nguồn cung thay thế là vấn đề cấp bách trong chiến lược chuỗi cung ứng. Trong khi đó, 45% các CFO mong muốn thay đổi các điều khoản hợp đồng và 45% muốn hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và hoạt động của các nhà cung cấp hiện nay và trong tương lai.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia PwC Việt Nam, Việt Nam một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực mở cửa lại nền kinh tế, mang đến thuận lợi lớn cho các DN trong nước.

Tuy nhiên, với tính chất liên kết phức tạp của chuỗi cung ứng hiện đại, các DN gặp không ít khó khăn trong việc mô hình hóa và đánh giá rủi ro khi quay trở lại hoạt động – đặc biệt khi đại dịch vẫn có những diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với đó là những bất định của nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trên thực tế, không phải bây giờ Việt Nam mới chú trọng tới việc thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) nước ngoài. Từ lâu, chính phủ Việt Nam đã có chủ trương hút vốn từ các tập đoàn, DN toàn cầu nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc top đầu thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đạt 200%.

Trong năm 2019, hoạt động thu hút vốn ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Hàng loạt DN dồn dập đầu tư vào bất động sản công nghiệp, mở rộng và mở thêm nhiều khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi căng thẳng Mỹ - Trung lên cao.

Tuy nhiên, cơ hội đón vốn ngoại lần này được cho là lớn hơn bao giờ hết. Bởi mới đây, nhiều cường quốc kinh tế lớn trên thế giới như: Mỹ,New Zealand, Úc...đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Như vậy, Việt Nam không chỉ đón nhận cơ hội từ Hàn Quốc, Nhật Bản,... mà có thể còn từ các tập đoàn lớn từ Mỹ như Apple.

 

Cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến các DN nhận ra vận hành chuỗi cung ứng sẽ cần bước chuyển mình sang các mô hình chủ động và tổng thể hơn. Đây là thời điểm đòi hỏi các DN có cái nhìn toàn diện và rõ nét hơn về chuỗi cung ứng hiện nay, và đặt ra câu hỏi về việc xây dựng chiến lược thích ứng dài hạn trong bình thường mới.

Ông Grant Dennis, Chủ tịch PwC Việt Nam nhận định: “Cuộc khủng hoảng lần này đã mang đến những bài học kinh nghiệm quý giá, các DN cần tận dụng khả năng thích ứng nhanh nhạy mà họ đã xây dựng được. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Đánh giá tình hình một cách chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế canh trạnh lâu dài cho DN”.

Đánh giá về cơ hội này, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sau khi Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và duy trì được những thành tích trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu, FDI và vốn gián tiếp từ nước ngoài (FII) khá cao.

Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng không chỉ Việt Nam mới nhìn thấy cơ hội từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua, nhiều quốc gia cũng chạy đua thu hút dòng vốn FDI.

 

Thực tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là vị trí địa lý, môi trường ổn định và đặc biệt là thành công trong chống dịch Covid-19. Song, điều cần thiết là đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ quản trị và minh bạch chính sách.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam nên có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư (nhất là đầu tư công), qua đó chuẩn bị dự án đầu tư tốt cho trung hạn.

Trong khi đó, Ths Vũ Tuấn Anh, chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng bài toán chuỗi cung ứng nhìn đơn giản nhưng thực sự rất phức tạp và khó khăn vì nó liên quan tới sự di chuyển một số lượng khổng lồ các nguyên vật liệu, linh kiện giữa các nhà máy trên toàn thế giới trong khoảng thời gian hạn chế.

"Cơ hội đã có nhưng Việt Nam cần phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, sự vào cuộc của các bộ ngành, xây dựng các nhà máy công xưởng lớn để đáp ứng nhu cầu của DN FDI, chuẩn bị nguồn nhân lực...", ông Tuấn Anh nói.

Theo đánh giá của WB, triển vọng trung hạn của Việt Nam nhìn chung thuận lợi. Việt Nam đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong giai đoạn dự báo.

 

Còn Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick thì cho rằng, Việt Nam cần cải thiện chính sách hơn nữa để hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Hành lang pháp lý thuận lợi hơn sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ theo cả chiều sâu và chiều rộng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm