Xuất khẩu gạo khởi sắc: Vẫn cần chuẩn bị cho những bước tiến dài
DNVN - Giá gạo Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới những ngày vừa qua thể hiện sự khởi sắc mới. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khuyến nghị cần chuẩn bị những bước tiến dài cho chặng đường xuất khẩu gạo Việt.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng bất chấp đại dịch / Việt Nam được dự báo tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo
Top đầu trên chặng đường nhiều “nút thắt”
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ngày 7/1/2022 đã tăng thêm 5 USD/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm, bán ra với giá 398-402 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 386-390 USD/tấn (gạo 25% tấm). Giá gạo 100% tấm giữ nguyên ở mức 328-332 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Pakistan cũng tăng 2 USD/tấn (gạo Thái Lan loại 5% tấm) và 5 USD/tấn (gạo Pakistan cả 3 loại 5%, 25% và 100% tấm).
Với đà tăng giá ngày hôm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã rút ngắn khoảng cách so với giá gạo Thái Lan, chỉ thấp hơn 2 USD/tấn đối với tạo 5% tấm và thấp hơn 8 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
So với gạo Pakistan, giá gạo Việt Nam đang cao hơn 45 USD/tấn (gạo 5% và 25% tấm), cao hơn 12 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Đây có thể coi là sự khởi sắc mới cho gạo xuất khẩu Việt Nam ngay từ đầu năm. Sự khởi sắc này xuất phát từ nền tảng rất quan trọng của hoạt động xuất khẩu gạo năm 2021 – đứng top đầu trong các nước xuất khẩu gạo trên thế giới.
Xuất khẩu Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm
Theo TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, có được điểm sáng này là do dưới tác động của đại dịch COVID-19, kế hoạch sản xuất của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung lúa gạo.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát và thích ứng được với dịch bệnh, chủ động bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp nên sản xuất lúa vẫn đảm bảo, dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng nguồn cung lúa gạo vẫn dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cũng được thực hiện một cách bài bản, góp phần vào những thành công trong xuất khẩu gạo về cả số lượng và trị giá xuất khẩu những năm vừa qua.
Hiệp định EVFTA đã đi vào thực thi cam kết từ 1/8/2020, với sự tích cực và chủ động của các cơ quan Ban ngành, doanh nghiệp, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên EU, việc triển khai hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như gạo, thủy sản, trái cây, cà phê.
“Gạo là một trong những mặt hàng đã tận dụng khá tốt những ưu đãi từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Dự báo, 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, với những định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo đề ra trong Đề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" - Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu”, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa dự báo.
Tuy nhiên, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng chỉ rõ hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tồn tại nhiều “nút thắt”.
Một trong những "nút thắt" quan trọng khiến cho giá thành sản xuất lúa gạo của Việt Nam tăng cao trong năm qua, đó là do giá thành một số vật tư đầu vào như phân bón tăng cao và liên tục, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo của Việt Nam còn khá lớn, công nghệ chế biến còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ sản phẩm chế biến và chế biến sâu chưa nhiều, cơ cấu sản xuất lúa gạo còn những bất hợp lý, diện tích và tỷ lệ gieo sạ lớn trong khi năng suất, chất lượng không cao gây tốn chi phí vật tư đầu vào và ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu.
Thời gian vừa qua, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Ðáng chú ý là thị trường trọng điểm Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việc Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… chắc chắn sẽ là thách thức nếu doanh nghiệp muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Bà Quỳnh Hoa cũng cho biết, đối với thị trường EU, ngoài những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng gạo xuất khẩu theo quy định của EU, thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết, vì thực tế có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU thời gian qua chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì.
Khơi thông “luồng xanh" đường thủy
Khuyến nghị chính sách nhằm phục hồi sản xuất và phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng, trước hết, về định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo, để nắm bắt các cơ hội và hạn chế thách thức từ việc thực thi hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc chắn.
Doanh nghiệp phải tự xây dựng vị thế riêng cho mình để tận dụng lợi thế xuất khẩu gạo
Trong đó, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu mặt hàng gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng phải tự xây dựng vị thế riêng cho mình để có thể nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này.
Cụ thể, cần thực hiện tốt định hướng về tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng để giảm sản lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, trên cơ sở tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại và các giống lúa năng suất, chất lượng cao, từ đó nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe của các nước phát triển khu vực EU.
Ngành lúa gạo cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống mới, ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng các quy trình, kỹ thuật canh tác giảm đầu vào về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước... và đảm bảo vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất và thương nhân xuất khẩu gạo nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU. Việc đạt được các chứng nhận tự nguyện phổ biến tại EU sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo thấp cấp, gạo trắng, hạt cơm rời vì không cạnh tranh được với Ấn Độ và Pakistan, vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời thâm nhập sâu vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu...
Cần chú trọng đầu tư phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị người châu Âu như bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp..., cũng như các sản phẩm chế biến hữu cơ, sản phẩm được chứng nhận Halal để mở rộng các phân khúc thị trường xuất khẩu mới khu vực Trung Đông, châu Phi còn nhiều tiềm năng.
Về vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu, bà Quỳnh Hoa cho rằng, trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ lúa gạo thuận lợi, việc khơi thông "luồng xanh" đường thủy được xem là nhiệm vụ quan trọng mà các Bộ, ngành cần hết sức quan tâm, coi đây như một mắt xích trọng yếu giúp duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo.
Luồng xanh này không chỉ trong nội bộ tỉnh mà phải được mở ra nhiều tỉnh thành trong vùng, đồng thời đẩy mạnh lưu thông gạo từ nhà máy đến cảng xuất khẩu thông qua các tuyến đường thủy chính mà các xà lan chở gạo thường đi từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng biển khu vực TP HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Nên tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng hình thức xúc tiến xuất khẩu trực tuyến trên các nền tảng số, thực hiện quảng bá nhiều hơn cho người tiêu dùng ở các nước EU về lợi ích của gạo Việt Nam, cung cấp cho khách hàng những thông tin toàn diện về hương vị của sản phẩm gạo từ Việt Nam.
Chú trọng việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu nhằm ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân. Các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần bảo đảm vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có khả năng thu mua, tạm trữ thóc, gạo phục vụ xuất khẩu”, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa khuyến nghị.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng không sốt nóng
Dự báo diễn biến thị trường bất động sản khi có bảng giá đất mới
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Cột tin quảng cáo