Xuất khẩu khẩu trang nghẽn ở đâu?
DNVN - Bộ Công Thương đề xuất cho phép XK khẩu trang y tế nhằm thúc đẩy XK của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu của nước ngoài tăng cao, trong khi năng lực sản khẩu trang y tế mỗi ngày của DN trong nước là rất lớn. Tuy nhiên, việc XK khẩu trang, bao gồm cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải, của nước ta còn nhiều điểm nghẽn, gây khó cho DN.
Liệu Việt Nam có trở thành 'công xưởng' sản xuất khẩu trang? / Sản xuất khẩu trang vải - Cơ hội và thách thức
Tại cuộc họp chiều 24/4 bàn về các giải pháp triển khai kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sau giai đoạn giãn cách xã hội, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp hiện khoảng chục triệu chiếc một ngày, nhưng lại gặp vướng mắc do hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch của ngành y tế nên gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, trong 60 triệu chiếc khẩu trang y tế cần dự trữ cho phòng dịch thì hiện mới mua được 46 triệu chiếc.
Theo ông Trương Thanh Hải, lượng khẩu trang y tế cần mua dự trữ đạt 76%, lượng còn lại hoàn toàn có thể mua theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã ra kết luận về việc cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế. Hiện nay doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, nhưng chỉ vì y tế chưa mua đủ 14 triệu chiếc mà gây khó khăn chung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ĐTO)
Do đó, Cục trưởng Cục Công nghiệp đề nghị ngành y tế đẩy nhanh việc mua đủ lượng khẩu trang y tế dự trữ còn thiếu (14 triệu chiếc) thông qua cơ chế đấu thầu, sau đó cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn mặt hàng này.
Trước đó, hôm 15/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý nhanh việc này, không để lỡ thời cơ. Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu y tế.
Về vấn đề này Bộ Tài chính cho rằng, tại dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP thì doanh nghiệp được phép xuất khẩu khẩu trang y tế khi đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trên tờ khai xuất khẩu và phải đáp ứng điều kiện: Phải trúng thầu và có hợp đồng mua bán với cơ sở y tế hoặc phải có thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp và cơ sở y tế.
Việc thực hiện quy định này sẽ phát sinh một số vướng mắc: Tức là để được xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế, doanh nghiệp sẽ phải tham gia đấu thầu hoặc thỏa thuận hỗ trợ với các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển sang may khẩu trang y tế, tạo việc làm cho công nhân nhưng chưa tham gia đấu thầu hoặc thỏa thuận cung cấp cho các cơ sở y tế trong nước. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp sẽ mất một khoảng thời gian để đáp ứng điều kiện nêu trên. Điều này không phù hợp với việc tận dụng thời cơ sản xuất, xuất khẩu khẩu trang y tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, theo Luật Hải quan, doanh nghiệp có thể mở một hoặc nhiều tờ khai tại một hoặc nhiều chi cục hải quan khác nhau. Doanh nghiệp chỉ cần một trong các chứng từ theo quy định tại điểm 2 của dự thảo sửa đổi Nghị quyết thì có thể được thực hiện xuất khẩu khẩu trang y tế tại nhiều chi cục hải quan khác nhau, dẫn đến cơ quan Hải quan không thể theo dõi được số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu theo quy định trên.
Từ những vướng mắc này, để đảm bảo cung ứng khẩu trang dự trữ phục vụ trong nước song vẫn tận dụng được thời cơ, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án. Với phương án 1: Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế để có thể đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho dự trữ trong nước trong tháng 5 hay không? Trường hợp có thể đảm bảo thu mua đủ số lượng khẩu trang y tế theo nhiệm vụ được giao trong tháng 5, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu.
Phương án 2: Trường hợp thực hiện theo phương án đã được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản xác nhận số lượng khẩu trang y tế được phép xuất khẩu của từng doanh nghiệp làm cơ sở cho cơ quan Hải quan theo dõi khi thực hiện thủ tục hải quan.
Không chỉ doanh nghiệp XK khẩu trang y tế gặp mà Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng cho rằng, XK khẩu trang vải trong tình trạng tương tự khi năng lực cung ứng của các doanh nghiệp dệt may lên tới 11 triệu chiếc một ngày, nhưng tiêu thụ thấp khiến tồn kho tăng, khoảng 20 triệu chiếc. Khẩu trang vải cũng đang rất cần đầu ra xuất khẩu vào các thị trường đang cần mặt hàng này cho phòng dịch bệnh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận sẽ lãng phí nếu năng lực sản xuất của doanh nghiệp lớn mà vì lý do khách quan bị ách tắc đầu ra. Ông đồng ý sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang trên cơ sở đề nghị ngành này đẩy nhanh quá trình mua dự trữ.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, không chỉ khẩu trang y tế mà cả quần áo bảo hộ và những mặt hàng thiết yếu khác nảy sinh từ dịch Covid-19 mà DN Việt Nam có năng lực sản xuất cũng được khuyến khích xuất khẩu. Song song với đó là tránh đứt gãy nguồn cung, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đã được tính đến.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo