Xuất khẩu nông sản cần chiến lược bền vững
Phát triển cụm liên kết ngành: Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý thế nào? / Trợ lực quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Lần đầu tiên trong lịch sử, mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp về đích trước 1 tháng, đạt 43 tỷ USD. Tuy nhiên giá trị thặng dư xuất khẩu lại đang giảm tới một nửa so với năm 2021.
Ước tính 11 tháng, giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 4,3 tỷ USD, chỉ bằng 10% giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân do đâu, hướng đi nào để tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt?
Tỉnh Hải Dương là một trong những địa phương có diện tích trồng cây rau màu vụ đông lớn của miền Bắc. Năm 2020, toàn tỉnh Hải Dương thu về 4.500 tỷ đồng từ việc bán bắp cải, cà rốt, su hào… Năm nay, diện tích dự kiến tăng thêm 10%, nên con số này được dự đoán là còn cao hơn.
Đáng chú ý, giá các loại nông sản trên cũng đang ở mức khá cao, như giá bắp cải đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá vật tư tăng cao, giá bán cao, nhưng lợi nhuận không tăng
Ghi nhận tại xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, một sào ruộng bắp cải ở đây, chi phí đầu vào trên 4 triệu đồng gồm: phí phân bón, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, tăng hơn 40% so với năm 2020. Theo người dân, nhiều năm qua mới có đợt tăng như vậy. Vì vậy, dù giá bắp cải những ngày đầu vụ tăng cao, họ có thể thu 7 triệu đồng mỗi sào, nhưng chia cho 3 tháng rưỡi, cũng coi là lấy công làm lãi.
Hiện giá bắp cải đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Người nào trồng nhiều thì có lãi nhiều, trồng ít thì hầu như không có lãi mấy", ông Phạm Quang Dung, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chia sẻ.
Còn với Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt, họ đầu tư 100 ha chuyên để trồng bắp cải chủ yếu xuất khẩu. Dự kiến gần 1 tháng tới, họ mới có đủ hàng chất lượng để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư cao hơn 30% so với mọi năm trong khi giá xuất khẩu không thể tăng cao như vậy, vì tăng lên sẽ không bán được hàng, nên theo doanh nghiệp, dự kiến lợi nhuận năm nay giảm khoảng 10% so với năm 2020.
"Giá phân bón tăng cao gấp 2 lần, phí thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng nên năm nay chi phí bị đội lên cao", ông Tăng Xuân Trường, Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt, cho biết.
Ngoài những khó khăn về chi phí đầu vào tăng cao, giá thuê container, phí tàu biển vận chuyển hàng năm qua cũng tiếp tục tăng mạnh, cản trở đà tăng trưởng của không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Theo các doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận của họ chỉ đạt khoảng 5 - 10% đã là thành công trong năm nay.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp năm nay là không cao. Điều này lý giải vì sao 11 tháng đầu năm trong khi kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành về đích mục tiêu của cả năm đạt trên 43 tỷ USD, nhưng giá trị xuất siêu lại giảm trên 56% so với cùng kỳ năm 2020.
"Sản lượng cao, chi phí cũng cao, nhiều khi nhìn thẳng vào sơ đồ đó, giá trị gia tăng không tăng tỷ lệ thuận với con số về xuất khẩu, thu nhập của nông dân giảm. Tưởng chừng nó tăng nhưng tăng không tương xứng do chi phí đầu vào", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định.
Xuất khẩu nông sản cần chiến lược lâu dài, bền vững
Theo đại diện của một doanh nghiệp, năm nay họ xuất khẩu 50.000 tấn các loại nông sản khác nhau, đạt tăng trưởng 350%. Tuy nhiên lợi nhuận thu về không cao như doanh thu. Ví dụ như một lô mía ở đây, giá bán tại nước nhập khẩu từ 1,5 - 2 USD/kg, nhưng chiếm 60% trong số đó là phí logistics, giá trị mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa cao. Theo nhiều chuyên gia, để thay đổi thực tế này, Việt Nam cần có chiến lược dài hơi hơn.
Mía của Công ty cổ phần AMEII Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để sản xuất nước mía. Theo đại diện doanh nghiệp, năm nay họ xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản, nhưng chủ yếu ở dạng nguyên liệu. Để gia tăng hơn giá trị xuất khẩu, họ có dự án xây dựng chế biến 5 - 10 ha tại đây trong năm tới và nhu cầu về vốn là rất cần thiết.
"Công đoạn sơ chế, chế biến để xuất khẩu là công đoạn quan trọng. Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác liên kết và tìm kiếm đối tác để hỗ trợ về mặt công nghệ", ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AMEII Việt Nam, cho hay.
Theo các chuyên gia, nhà nước cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay trung hạn, dài hạn, để đầu tư cho hạ tầng và công nghệ.
Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Nhiều doanh nghiệp có ý kiến, đối với mặt hàng mới xuất khẩu, để ổn định, nhà nước cần có lượng cho vay dài hạn", ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nói.
Đặc biệt, trong một buổi chia sẻ gần đây với báo chí, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau chuyến đi công tác của ông qua một số nước châu Âu, nông sản Việt Nam đa phần mới vào được cửa hàng của người gốc Á, quy mô nhỏ, nên việc xuất khẩu chưa bền vững. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xây dựng đề án phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững.
"Chúng tôi đang tham vấn các thương vụ ở nước ngoài như EU, thị trường 27 nước hay Trung Quốc để xây dựng chiến lược hay đề án xuất khẩu nông sản bền vững và phải được khởi tạo từ vùng nguyên liệu chuẩn hóa của chúng ta", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết trong thời gian tới, sẽ có liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản được ra đời, trong đó đặc biệt lưu ý vài trò của các doanh nghiệp logistics, phối hợp với nhau để có thể giảm được chi phí vận tải cho nông sản của ta.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh