Thờ ơ lập quỹ khoa học - công nghệ
Sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn thực hiện giữa các cơ quan chức năng và những bất cập trong quá trình sử dụng, quyết toán khiến doanh nghiệp không mặn mà trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN, có hiệu lực từ ngày 1-12-2014). Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 2-8-2014), doanh nghiệp (DN) được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm trước khi tính thuế thu nhập (TN) DN để lập quỹ phát triển KH-CN. Trước đó, luật thuế TNDN năm 2008 cũng quy định về việc trích lập quỹ KH-CN.
E dè trích lập, sử dụng
Quỹ được sử dụng để đầu tư tăng cường tiềm lực KH-CN cho DN và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện các nhiệm vụ KH-CN của DN; trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động KH-CN của DN; mua máy móc thiết bị kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn. Quy định pháp lý là như vậy nhưng từ năm 2008 đến nay, hầu hết các DN không dám sử dụng quỹ này để phát triển KH-CN.
Rất ít công ty, kể cả doanh nghiệp quốc doanh, mạnh dạn trích lập quỹ khoa học - công nghệ.
Theo thống kê của Sở KH-CN TP HCM, tính đến cuối tháng 7-2013, toàn TP mới có 49 DN báo cáo đã thành lập quỹ phát triển KH-CN, trong đó có 26 DN đã trích lập quỹ với tổng số tiền 346,8 tỉ đồng và số tiền DN được giải ngân cho mục đích cải tiến KH-CN chỉ chiếm 30% tổng số tiền của quỹ, tương đương 117,8 tỉ đồng. Như vậy, số DN báo cáo thành lập quỹ quá ít so với tổng số hơn 150.000 DN trên địa bàn.
Lý do là có quá nhiều rắc rối, bất cập trong các quy định để được công nhận là sử dụng quỹ đúng mục đích hoặc đạt tỉ lệ sử dụng từ 70% trở lên. DN rất sợ đến khi quyết toán thuế, cơ quan thuế không công nhận chi phí này là hợp lý, khi đó sẽ bị truy thu thuế.
Rắc rối, bất cập
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), những năm gần đây, DN được khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH-CN nhưng vấp phải nhiều khó khăn về thủ tục và thanh - quyết toán nên rất ngại sử dụng. Vissan trước đây cũng đã trích lập quỹ phát triển KH-CN nhưng thấy thủ tục thực hiện quá phức tạp nên thôi, không đụng tới nguồn quỹ này và không trích nữa. “Với các quy định hiện tại và cách làm của cán bộ các sở, ngành liên quan thì DN sử dụng quỹ này giống như những... tên ăn trộm, sợ DN sử dụng sai mục đích” - ông Mười bức xúc.
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco (Hanco Food), cho biết lâu nay công ty ông vẫn trích một phần lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho KH-CN vì chi phí này không được cán bộ thuế tính là chi phí hợp lý khi quyết toán thuế.
Trích lập quỹ phát triển KH-CN để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; đầu tư chất xám; mua các bằng sáng chế từ trường đại học... để phát triển sản xuất - kinh doanh là nhu cầu lớn của nhiều DN, trong đó có Hanco Food. Tại Hanco Food, do doanh thu chưa cao nên chưa trích được nhiều để lập quỹ và dùng cho phát triển KH-CN nhưng định hướng của công ty là ưu tiên đầu cho công nghệ.
Hiện công ty đang kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm nghiên cứu một số sản phẩm mới, dự kiến năm 2015 sẽ bán ra thị trường. Một vấn đề nữa cũng cần được bàn là DN đang hoạt động lỗ thì có được trích một phần chi phí để đầu tư phát triển KH-CN không, phần đầu tư này có được tính giảm trừ chi phí khi quyết toán không? Ở hầu hết các nước, nhà nước không đánh thuế phần chi phí dành cho nghiên cứu khoa học của DN. Tại Việt Nam thì luật quy định chung chung, mỗi cán bộ hiểu theo một kiểu nên lâu nay dù luật cho phép nên dù được trao quyền, DN cũng không dám sử dụng.
Là một trong số ít DN sử dụng được quỹ phát triển KH-CN nhưng Công ty CP Dược Hậu Giang vẫn gặp rắc rối vì sự không thống nhất giữa cơ quan thuế và Sở KH-CN. Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc công ty, cho biết DN của bà không đến mức bị “làm căng” nhưng khi mang hồ sơ đến cục thuế để thanh toán thì không được chấp nhận vì thiếu xác nhận của Sở KH-CN. Mang sang Sở
KH-CN thì sở trả lời là không thể xác nhận được do đây là cải tiến, sáng chế của DN nên sở không có chức năng thông qua. Sự trục trặc thủ tục giữa 2 cơ quan này khiến DN rất khó sử dụng nguồn quỹ phát triển KH-CN.
Trước những vướng mắc của DN, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng ngành thuế phải hướng dẫn cụ thể cho DN điều kiện nào thì được công nhận là hoạt động KH-CN (chẳng hạn các hoạt động nghiên cứu, nghiên cứu phát triển (R&D), khảo sát... trong lĩnh vực KH-CN); DN được quyền sử dụng quỹ đó thế nào để có lợi nhất cho DN bởi việc đầu tư cho hoạt động R&D, đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước thềm mở cửa sâu rộng sắp tới. Nếu không đổi mới được công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh thì DN sẽ “chết”.
Dùng không hết thì phải nộp thuếTheo Nghị định 95/2014/NĐ-CP, DN nhà nước hằng năm phải trích 3%-10% thu nhập tính thuế TNDN để lập quỹ phát triển KH-CN của DN. DN ngoài nhà nước cũng được trích một tỉ lệ hợp lý, không quá 10%. Mỗi năm, để được sử dụng quỹ này, DN phải lập báo cáo trích, sử dụng quỹ phát triển KH-CN và kê khai mức trích lập, số tiền trích lập vào tờ khai quyết toán thuế TNDN. Báo cáo này được nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN. Trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích lập, nếu DN không sử dụng quỹ hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì DN phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế TNDN tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ và phần lãi phát sinh từ số thuế TNDN đó. Ngoài ra, số tiền sử dụng không đúng mục đích sẽ không được tính vào tổng số tiền sử dụng cho mục đích phát triển KH-CN.
Ông Văn Đức Mười (Tổng Giám đốc Vissan): Chưa biết tính sao!
Thờ ơ lập quỹ khoa học - công nghệNghị định 95/2014/NĐ-CP mang tính chất hỗ trợ các DN công nghệ (cụ thể là các DN làm công tác tư vấn công nghệ cho DN) nhưng những DN trực tiếp trích lập quỹ lại gặp khó. Nếu trước đây, DN được quyền chủ động trích lập quỹ, tùy theo điều kiện của DN mình thì với Nghị định 95/2014/NĐ-CP, DN nhà nước hằng năm phải trích 3%-10% lợi nhuận để lập quỹ. Muốn làm được như vậy, DN nhà nước phải phấn đấu đạt lợi nhuận tăng thêm 3%-10% tương ứng với phần trích lập quỹ vì chỉ tiêu lợi nhuận được giao không bao gồm phần đã trích lập quỹ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện tại, DN bảo toàn được đồng vốn là đã quá giỏi thì việc tăng lợi nhuận để trích lập quỹ phát triển KH-CN là một áp lực lớn.Ngoài ra, quy định sau 5 năm nếu DN không sử dụng nguồn quỹ đã trích lập này thì phải nộp lại tiền thuế TNDN trên khoản trích lập đó cũng là một rắc rối. Trước mắt, Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-12-2014 nghĩa là trong năm nay, DN nhà nước không còn tự nguyện mà bắt buộc phải trích lập quỹ phát triển KH-CN. Trong khi đó, thông tư hướng dẫn thi hành nghị định chưa được ban hành, DN chưa biết sẽ làm thế nào.Bà Trần Thị Lệ Nga, (Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM): Doanh nghiệp ngại tăng thêm chi phíThờ ơ lập quỹ khoa học - công nghệViệc DN trích lập quỹ KH-CN từ thu nhập tính thuế được quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 2-8-2014. Theo đó, DN phải có kế hoạch sử dụng, nếu trong một thời hạn nhất định DN không sử dụng hoặc sử dụng chưa hết thì phải hoàn vào thu nhập tính thuế TNDN. Vấn đề quan trọng là DN phải sử dụng quỹ này đúng mục đích đổi mới công nghệ thì mới được cơ quan thuế chấp nhận số tiền đã chi là chi phí hợp lý khi tính thuế. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế còn khó khăn nên hiện nay không ít DN không muốn trích lập và sử dụng quỹ KH-CN vì e ngại tăng thêm chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận…
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo