Thị trường

Thủ đô Hà Nội: Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP

(DNVN) - Với vai trò là Thủ đô đất nước, nằm trong top 3 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội đang đứng trước những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP.

Tin tức trên báo Infonet, tại hội thảo: Thuận lợi và thách thức với Hà Nội khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP.

Với nhiều lợi thế sẵn có như nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn so với các địa phương khác, nguyên vật liệu sản xuất tại chỗ, cơ sở hạ tầng phát triển… Hà Nội sẽ có cơ hội tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực như dịch vụ chất lương cao, công nghiệp may mặc và phụ trợ, hạ  tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.

“Hiện đã có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm dò, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng bày tỏ nếu TPP được ký kết, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam”, ông Phương cho hay.

Tin tức trên báo Hà Nội mới, với tỷ trọng lĩnh vực bất động sản chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu vốn FDI của Hà Nội, TPP là cơ hội lớn cho lĩnh vực này khi “đón sóng” một loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tới làm việc tại Thủ đô. Ngành dệt may và nông nghiệp cũng đứng trước nhiều cơ hội khi mức thuế suất giảm về 0% sau TPP. 

Theo đó, với 90% dòng thuế xuất khẩu được cắt giảm khi tham gia hiệp định TPP, Hà Nội sẽ chủ trương mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên nội khối đầy tiềm năng như Canada, Australia, New Zealand… Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của TP Hà Nội theo đó sẽ là 14 -15%/năm.

 

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với Thủ đô trong bối cảnh không chỉ TPP mà một loạt hiệp định thương mại khác hoàn thành, như sức ép cạnh tranh về thu hút các dòng vốn ngoại, cũng như sự cạnh tranh trong thị trường nội địa. Báo Kinh tế đô thị thông tin. 

Trước những cơ hội và thách thức đó, Hà Nội dự kiến sẽ đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với các nước thành viên trong TPP, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung quảng bá thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội, đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. 

Về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu của Hà Nội khi Việt Nam gia nhập TPP, TS. Nguyễn Hùng Sinh – PGĐ Công ty xuất khẩu nông sản Hà Nội cho rằng, Thủ đô cần có kế hoạch hỗ trợ các DN và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa nhất là trong xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế và thực thi các chương trình XTTM có hiệu quả.  Công tác nghiên cứu và dự báo thị trường, nâng cao chất lượng thông tin, đẩy mạnh XTTM nhằm giữ vững và mở rộng thị trường mới cho xuất khẩu hàng hóa. 

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội, khi tham gia TPP, Hà Nội cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác thành viên trong TPP. Thực hiện kịp thời việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, hải quan.

Tập trung quảng bá thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Hà Nội, xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm giúp doanh nghiệp kết nối, tìm đối tác, mở rộng thị trường. 

 

Nhất là, đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng không quá nhấn mạnh số lượng mà là chất lượng, chính sách phát triển riêng đối với một số ngành cụ thể như dệt may… là những việc mà theo ông Phương Hà Nội cần thực hiện.

Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo