Hỗ trợ doanh nghiệp

Thu hút FDI chuyển sang chọn lọc để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa

Vốn FDI 5 tháng đầu năm 2018 chỉ bằng 81,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo đánh giá, Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng những lợi thế về dây chuyền sản xuất, công nghệ...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 9,9 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Việt Nam thu hút được từ đầu năm đến nay, có 5,18 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 52,3% tổng vốn FDI đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 3 với 1,02 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Thu hút FDI chuyển sang chọn lọc để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa. Ảnh minh họa: TTXVN.

Mặc dù, vốn FDI 5 tháng đầu năm 2018 chỉ bằng 81,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo đánh giá, Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng những lợi thế về dây chuyền sản xuất, công nghệ và chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn vốn FDI đã đi vào chất hơn, có tác động tích cực đối với nền kinh tế. 

Chẳng hạn như, Dự án LG Innotek đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào Nhà máy LG Innotek Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 1,05 tỷ USD nhằm hiện thực hoá mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất module camera tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. 

Hay dự án tăng vốn thêm 260 triệu USD của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng với mục tiêu sản xuất giày và quần áo thể thao; dự án tăng thêm 120 triệu USD của Công ty TNHH Kefico Việt Nam nhằm sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị, may mặc vốn cần nhiều lao động tăng vốn đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối, học hỏi kinh nghiệm, tận dụng tối đa hiệu ứng lan toả của doanh nghiệp FDI. Đây cũng chính là điều doanh nghiệp Việt Nam đang cần để nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Nhận định chung về tình hình thu hút FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ đầu năm đến nay, do chưa có những dự án lớn nên thu hút FDI nhìn chung thấp hơn năm 2017. Tuy nhiên, chỉ cần một vài dự án “tỷ đô” sẽ thúc đẩy thu hút FDI tăng rất nhanh. 
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, với định hướng Việt Nam chủ động nhắm đến những dòng vốn chất lượng hơn, cũng tác động đến kết quả thu hút FDI.

Theo đó, thu hút FDI đã chuyển dần sang chọn lọc sao cho phù hợp với từng địa phương để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của dòng vốn này. Với sự thay đổi này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã khiến dòng vốn FDI không đổ vào ồ ạt như trước, mà chậm hơn, nhưng cũng chất lượng hơn. 

 

Hiện, có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm; trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 2,63 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 1,52 tỷ USD, chiếm 15,4%. Singapore đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,11 tỷ USD, chiếm 11,25% tổng vốn đầu tư. 

TP.HCM là địa phương thu hút FDI lớn nhất trong tổng số 53 tỉnh, thành trên cả nước thu hút được FDI từ đầu năm đến nay. Cụ thể, địa phương này đã thu hút được 2,39 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Kế đến là Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 1,07 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư và thủ đô Hà Nội xếp thứ 3 với tổng vốn đăng ký 835,3 triệu USD, chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư.

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo