Hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ trưởng Công Thương: Doanh nghiệp Việt đừng sợ khi vào CPTPP

Ông Trần Quốc Khánh nói doanh nghiệp không nên lo lắng quá bởi nhiều nước cũng rất e ngại sản phẩm Việt Nam, từ thuỷ sản đến dệt may.

Tại Hội thảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề "Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp" sáng nay, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng các doanh nghiệp cần cởi mở hơn khi tiếp cận với thương mại quốc tế và không nên lo lắng về đầu tư từ nước ngoài. Ông giải thích đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu. Và CPTPP chỉ là “một điểm đến mới trong chặng đường dài 23 năm hội nhập”.

Ông tiết lộ các nhà đàm phán từ các nước cũng rất ngại sản phẩm của Việt Nam, từ thủy sản đến hàng dệt may. “Chúng ta không phải là những con nai. Nếu nghĩ mình là những con nai thì sẽ thua thôi”, ông kết luận.

Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP tại Chile ngày 8/3. Ảnh: Reuters.

Theo ông, Việt Nam có lợi thế nhờ vị trí đặc biệt trên bản đồ thương mại toàn cầu. Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với gần như tất cả các thị trường lớn, như ASEAN, Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ và cả Liên minh kinh tế Á - Âu. Vì vậy, nếu đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp có thể bán sản phẩm sang rất nhiều thị trường lớn.

Về sự khác biệt giữa CPTPP và TPP, Thứ trưởng khẳng định “nội dung không khác nhiều so với TPP, ngoài một số điều khoản tạm hoãn”. Toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường của TPP, cũng như đại đa số các nội dung quan trọng khác, bao gồm các lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống vẫn được giữ nguyên.

Ông cũng nhận định khả năng CPTPP được ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018, để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao. “Chính phủ đang nỗ lực để trình CPTPP lên Quốc hội xem xét và phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10”, ông cho biết.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng dẫn số liệu từ một nghiên cứu của Nhật Bản cho biết lợi ích từ cải cách thể chế (mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam) gần như bằng với TPP và sẽ giúp GDP tăng khoảng 10%.

Dù vậy, nhiều người cho rằng cải cách thể chế tại Việt Nam vẫn còn chậm. Để tăng tốc quá trình này, ông Trần Quốc Khánh cho rằng Việt Nam cần tăng cường các kênh đối thoại, còn cơ quan quản lý cũng cần thay đổi tư duy theo hướng kiến tạo là chính.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng CPTPP có nhiều quy định về ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài, mang tính bảo vệ rất cao. Việt Nam “không cẩn thận sẽ dễ rơi vào trạng thái ưu đãi ngược” - đối xử tốt với nhà đầu tư các nước khác trong CPTPP hơn là doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan quản lý để tạo ra môi trường tốt cho cả hai bên.

Về khả năng CPTPP giúp Việt Nam thu hút nhà đầu tư, để tận dụng công nghệ và nhiều yếu tố khác, ngoài vốn, bà Trang cho rằng vấn đề không nằm ở bản thân hiệp định này. Thay vào đó, “nó nằm ở sự khôn khéo của các cơ quan trong quá trình tận dụng CPTPP và đưa ra các chính sách thích hợp để thu hút nhà đầu tư”.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích lý do các nước vẫn kiên trì với CPTPP, dù không còn Mỹ. Một là lợi ích kinh tế vẫn có, dù có thể nhỏ hơn, nhưng nhìn chung vẫn rất lớn. Thứ hai là họ cần một bộ quy tắc mới, điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, thay cho các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Còn về khả năng Mỹ tái gia nhập, ông khẳng định: “Mỹ lúc nào đó sẽ quay lại, nhưng không phải là quay lại TPP đã ký hồi tháng 2/2016”.

Dù không có Mỹ, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, CPTPP “vẫn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao”. Hiệp định này không chỉ tạo ra nền tảng quan trọng cho giao thương và đầu tư trong khu vực, mà còn là sự khích lệ rất lớn đối với tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay.

Nên đọc
Theo VnEpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo