Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng: Chúng ta lập kỷ lục mới về số lượng doanh nghiệp

(DNVN) - “Điều đáng mừng là tháng 10, chúng ta lập kỷ lục mới về số lượng doanh nghiệp. Còn trong 10 tháng, vượt con số 91.000 doanh nghiệp và trong năm nay, sẽ vượt con số là trên 100.000 doanh nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngày 29/10 vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2016. 

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nêu một số nét chính của tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 10, trong đó có việc chúng ta vừa tổ chức thành công 3 sự kiện quốc tế lớn (Hội nghị ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF-Mekong), qua đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đây được coi là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng 9 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN.

Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc. Đặc biệt, tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng, 31 bậc. Thủ tướng cho rằng, đó là kết quả của việc xử lý nghiêm các vụ việc như quán cà phê Xin Chào hay “điện thoại cùi bắp”… Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…

“Điều đáng mừng là tháng 10, chúng ta thành lập mới kỷ lục về số lượng doanh nghiệp. Còn trong 10 tháng, vượt con số 91.000 doanh nghiệp và trong năm nay, sẽ vượt con số là trên 100.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn cũng tăng lên, tốt hơn trước nhiều. Đặc biệt, có 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý về vấn đề lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ.

“Phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại con số về tốc độ tăng GDP 9 tháng mới đạt 5,93%, Thủ tướng đôn đốc “phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, để có giải pháp bảo đảm tăng trưởng”, đạt mục tiêu đề ra khoảng 6,3-6,5%. Trong đó, lưu ý các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, đầu tư…

Thủ tướng nhắc nhở tình trạng “xuân thu nhị kỳ” là những tháng đầu năm, tăng trưởng thường chậm hơn. Vấn đề này tái diễn nhiều năm vừa qua, dẫn tới những tháng cuối năm phải “vắt chân lên cổ” để đạt mục tiêu đề ra.

“Chúng ta phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao. Phải chủ động ngay từ bây giờ, không để bị động, lúng túng. Không thể để ăn Tết xong mới bàn đến quý I”, Thủ tướng nói.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả về kinh tế-xã hội đạt được trong tháng 10 và 10 tháng năm 2016 là tích cực, đã mang lại niềm tin xã hội và niềm tin thị trường; đồng thời nêu rõ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại của 2 tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 là hết sức nặng nề.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời; quyết tâm hành động trong thực hiện nhiệm vụ; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư. Triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chống chuyển giá; kiểm tra sau thông quan; kiểm tra việc kê khai giá tính thuế;... Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 60 của Chính phủ. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi cho hội họp, tiếp khách, đi công tác trong nước và nước ngoài; đảm bảo thu-chi ngân sách.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các đối tác để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; rà soát, tháo gỡ khó khăn, thủ tục hành chính bất hợp lý đối với hàng hóa xuất khẩu...

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo