Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tháo gỡ thể chế, thủ tục rườm rà trong đầu tư xây dựng
Sự chưa thống nhất, chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý đang là rào cản lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Câu chuyện này liên quan tới hầu hết các Bộ, ngành và hàng chục văn bản luật, nghị định. Phức tạp hơn, cùng điều chỉnh một vấn đề nhưng lại có sự khác biệt giữa các luật dẫn tới khó khăn trong thực thi. Những nội dung này đã được phân tích, thảo luận thẳng thắn, cụ thể tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng diễn ra sáng 20/4.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội nghị.
Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát. Vì vậy, đến thời điểm này, lĩnh vực này chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan.
Theo Bộ Xây Dựng – cơ quan được giao chủ trì tổ chức Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.
Để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật, tại hội nghị, Bộ Xây dựng và nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung đồng loạt các Luật, Nghị định liên quan đến xây dựng cơ bản với quan điểm cho rằng, nếu chỉ sửa đổi rải rác từng luật không thể tháo gỡ kịp thời và khả thi các vướng mắc trong thực tiễn.
Đề xuất này cũng nhận được sự tán thành của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhằm giải quyết các bất cập hiện nay. Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý quá trình sửa đổi cần bắt kịp các xu hướng phát triển mới của các quan hệ xã hội trong đầu tư, xây dựng cơ bản trong như : Việc quản lý mô hình condotel, thiết kế không gian ngầm, những vấn đề liên quan đến nhà ở thông minh…đang là những vấn đề phát sinh và xu thế trong tương lai.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tổng đầu tư xây dựng chiếm 70-80% tổng đầu tư xã hội, có năm chiếm 42% GDP. Nếu quản lý nguồn vốn này một cách chặt chẽ, hiệu quả, chắc chắn sẽ phát triển bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị, trong quá trình khắc phục những hạn chế , bất cập này, bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cần khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa”, cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách cực đoan trong quản lý đầu tư xây dựng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến phương pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với hai phần bao gồm trước mắt và lâu dài như đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn...
Cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng “nhiều đến mức độ không thể nhớ hết”, Thủ tướng chỉ đạo cần sớm tháo gỡ tồn tại này, nhất là trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ. Chỉ ra sự bất cập trong phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương trong khâu đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, Thủ tướng phân tích thực trạng này do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm; thủ tục đất đai; chế độ công tác, kiểm tra, giao ban, đôn đốc xử lý vướng mắc trên công trường, trên nhật ký công trình…
Cho rằng còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo, Thủ tướng đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ. Thủ tướng cũng đề nghị “nói thẳng ra những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia để tháo gỡ”.
Thủ tướng nhấn mạnh đến thông điệp của Chính phủ: Tập trung tháo gỡ thể chế, pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân, làm chậm trễ quá trình xây dựng. Thủ tướng đề nghị tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực.
Tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng, chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp là yêu cầu rất lớn hiện nay, Thủ tướng nói và chỉ đạo xử lý những cá nhân, tổ chức “ ngâm lâu” những hồ sơ đúng quy chế, quy định. Song hành với đó, hai mặt của vấn đề đó là cũng cần “chống làm chậm, ngâm lâu, yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, trái pháp luật”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ ra những tồn tại khác như: Hiện tượng lãng phí trong đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước còn phổ biến. Lãng phí trong khâu phê duyệt dự án như chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư không sát thực tế, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư; lãng phí trong bố trí vốn và thực hiện dự án; lãng phí ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình.
Thủ tướng chỉ rõ, nhiều trường hợp, do yêu cầu của các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, Chủ đầu tư phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau, nên mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí của Chủ đầu tư.
Thủ tướng phê phán và đề nghị ngăn ngừa, xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo đất đai phải được đấu giá công khai, minh bạch, không được chỉ định, “không được quân xanh, quân đỏ kể cả trong xây dựng cơ bản, cung cấp hàng hóa”; không được chọn nhà thầu tùy tiện, lợi ích nhóm. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng ôm đồm, chưa phân cấp triệt để, thiếu quy hoạch chi tiết dẫn đến xin- cho trong đầu tư xây dựng.
Định hướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng, Thủ tướng lưu ý đến công tác mang tính mấu chốt của vấn đề là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao.
“Các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết thì kiên quyết loại bỏ hoặc lồng ghép trong các thủ tục khác”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đi liền với đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng… để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư, xây dựng, nhất là đối với một số vụ việc dư luận quan tâm và bức xúc.
Tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa 4 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 bảo đảm sự phù hợp. Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; triển khai đồng bộ, kịp thời các Đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời đúng trọng tâm, nội dung kiến nghị và kịp thời đối với các vướng mắc, kiến nghị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Đây là Hội nghị thứ 3 nằm trong chuỗi 15 Hội nghị toàn quốc nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh... thúc đẩy tăng trưởng bền vững của đất nước sẽ được tổ chức trong năm nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo