Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng: Việt Nam cần thành điểm đến hấp dẫn với mọi doanh nghiệp châu Âu

Người đứng đầu Chính phủ muốn Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn cho tất cả doanh nghiệp châu Âu.

Tại Hội nghị Gặp gỡ châu Âu (Meet Europe) sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định các đối tác châu Âu “đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết cùng Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, phát triển và mở cửa hội nhập”. Châu Âu hiện là nhà đầu tư FDI lớn và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại hàng đầu cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm ngoái cũng đạt 50 tỷ USD.

Thủ tướng cho rằng “nền kinh tế Việt Nam và châu Âu mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh”. Hiện tại, cả hai bên đều đang đứng trước cơ hội lớn để nâng tầm quan hệ và tăng cường hợp tác. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã hoàn tất rà soát pháp lý, chuẩn bị ký chính thức và phê chuẩn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến một lễ ký kết tại sự kiện sáng nay. Ảnh: VGP.

Tại sự kiện, Thủ tướng cũng giới thiệu các điểm hấp dẫn của Việt Nam, về tốc độ tăng trưởng, quy mô GDP, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, sức mua của người dân và độ mở của nền kinh tế với hàng loạt hiệp định tự do thương mại. Ông cho biết Việt Nam đang ngày càng được nhiều công ty lựa chọn để kinh doanh.

Trích báo cáo của EuroCham hồi tháng 3 cho thấy 90% doanh nghiệp châu Âu mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam, ông mong muốn con số này sẽ lên gần 100% lần tới. “Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn, ổn định và lâu dài cho tất cả các bạn, tất cả các doanh nghiệp châu Âu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Bruno Angelet cho biết EVFTA sẽ giúp Việt Nam hưởng nhiều lợi ích và sánh vai với các nước hàng đầu châu Á. Trong khi đó, đồng chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - Nicolas Audier khẳng định châu Âu “là đối tác tin cậy, đổi mới và luôn bền vững”. “Đây là ba yếu tố mà các doanh nghiệp châu Âu hoàn toàn có thể đáp ứng được, đặc biệt là trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển theo hướng thông minh”, ông kết luận.

Đồng chủ tịch EuroCham - Denis Brunetti thì nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc có tầm nhìn về phát triển công nghệ thông tin - viễn thông. Theo ông, đây là lĩnh vực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và ứng phó tốt hơn trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Hội nghị Gặp gỡ châu Âu năm nay có hơn 500 người tham dự, trong đó có phái đoàn ngoại giao, lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo hơn 30 tỉnh, thành của Việt Nam và hơn 200 đại diện doanh nghiệp. Ngoài vấn đề triển vọng các hiệp định thương mại tự do giữa EU với Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu còn chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong nhiều lĩnh vực như sản phẩm chất lượng cao, năng lượng sạch và thành phố thông minh, nông nghiệp - thủy sản, cơ sở hạ tầng - logistics, y tế hay du lịch.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo