Nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Leon Dio – Thương hiệu dành cho doanh nhân Việt hiện đại
Khẳng định vị thế thương hiệu Việt
Theo Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục nằm trong nhóm thương hiệu mạnh thế giới. Theo công bố của Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới), năm 2021 thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới, với mức tăng giá trị 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên tới 388 tỷ USD.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao, nhất là tham gia đa dạng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Theo Bộ Ngoại giao, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Khát vọng về một Việt Nam phát triển bền vững đã được thể hiện ở mục tiêu đưa đất nước gia nhập hàng ngũ nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Thương hiệu Việt “phủ sóng” đa lĩnh vực
Từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay những sản phẩm hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô... sang các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao như, oto, điện thoại, máy vi tính...
Năm 2016, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 80,3%, đến năm 2020 là 85,2% và dự kiến năm 2025 sẽ tăng 90%. Hơn nữa, nhờ chú trọng đầu tư cho xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu nhiều doanh nghiệp Việt Nam được các tổ chức quốc tế uy tín xếp hạng trong top các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực trên toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.
Đơn cử như Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2022” (Global 500) và đứng ở vị trí 227.
Vinamilk đứng thứ 8 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu năm 2021 theo xếp hạng của Brand Finance. Vinamilk cũng chinh phục hai bảng xếp hạng là Top 5 thương hiệu thực phẩm mạnh nhất toàn cầu và nằm trong top 30 của 100 thương hiệu thực phẩm giá trị nhất toàn cầu với vị trí thứ 27, tăng mạnh 9 bậc so với năm 2020.
Hay như các mặt hàng nông sản xây dựng thương hiệu địa danh và chỉ dẫn địa lý gắn với thương hiệu quốc gia như Vải thiều Lục Ngạn, Thanh Long Bình Thuận, Vú sữa Lò Rèn, Dừa Bến Tre … cũng luôn được người tiêu dùng Quốc tế đón nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, với ngành sản xuất Ôtô còn non trẻ, Vinfast - Thương hiệu Ôtô Việt Nam cũng dần khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Cụ Thể, tại đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn Vingrouptổ chức sáng 11/5, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup tiết lộ trong năm 2022, mục tiêu bán xe điện Vinfast trên thị trường Mỹ là 17 nghìn xe. Hiện tại, lượng đặt xe đã đạt hơn 4 nghìn xe và phù hợp với kế hoạch đặt xe.
Vinfast ra mắt xe điện tại Mỹ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đưa ra đánh giá khi Vinfast kỳ vọng xâm nhập thị trường Mỹ. Để bán được ở Mỹ, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất, sản phẩm tốt, chất lượng rất tốt. Thứ hai, giá hợp lý với chiến lược cho thuê pin thì giảm đáng kể cho khách hàng. Thứ ba, dịch vụ hậu mãi thật tốt. Doanh nghiệp đang tích cực nâng cấp dịch vụ hậu mãi, lấy nền tảng hậu mãi ở Việt Nam, sau đó đào tạo cho hệ thống hậu mãi toàn cầu.
Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu những năm gần đây, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang đánh giá: Xuất khẩu của nước ta đã có tăng trưởng tích cực, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới chiều sâu. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam đã tiếp cận các thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng.
Không chỉ tăng về tỷ trọng, xuất khẩu hàng Việt Nam tới các thị trường “khó tính” còn có nhiều thuận lợi, bởi hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới (trừ Mỹ) đều đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Theo đó, thuế nhập khẩu đã được dỡ bỏ hoặc cắt giảm. Thâm nhập các thị trường lớn giúp mang lại những đơn hàng có giá trị cao và ổn định cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn và kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Cẩm Trang cũng cho rằng, để mở rộng hơn nữa thị phần tại các thị trường “khó tính”, hàng hóa Việt Nam cần ổn định về chất lượng cũng như số lượng, vượt qua các tiêu chuẩn được đánh giá là rất cao và cạnh tranh tốt với hàng hóa cùng loại của các nước khác.
Đồng Quan điểm với bà Trang, Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại bổ sung thêm : ”Để xây dựng thành công một thương hiệu ở thị trường “khó tính,” ngoài vấn đề về chất lượng và sự khác biệt, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm ở nước ngoài.
Đây có thể xem là việc quan trọng để bảo đảm thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Bởi nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, rắc rối, chồng chéo, đã tạo cơ hội cho tình trạng ăn cắp mẫu mã để làm giả, làm nhái khá phổ biến”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2022”.