Quốc tế

Tiêm kích Su-34 - "xe tăng bay" của Nga mạnh đến đâu?

(DNVN) - Sukhoi Su-34, chiến đấu cơ được mệnh danh "xe tăng bay" của Nga có thể mang theo tới 12 tấn vũ khí cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, có khả năng được Nga sử dụng để phục vụ chiến dịch không kích phiến quân IS.

Nga được cho là đã điều động 6 tiêm kích Su-34 đến Syria. Động thái tăng cường loại chiến đấu cơ này là một phần trong sự hỗ trợ mà Moscow dành cho Damascus nhằm chống lại sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Tiêm kích -bom Su-34 phóng tên lửa trong một cuộc tập trận.
Tiêm kích Su-34 phóng tên lửa trong một cuộc tập trận.

Được xếp vào dạng máy bay chiến đấu ném bom, Su-34 là loại vũ khí tấn công mặt đất hiện đại được chế tạo nhằm thay thế cho dòng máy bay ném bom Su-24. Ý tưởng thiết kế về loại máy bay chiến đấu-ném bom này được thực hiện từ đầu những năm 1980, nhưng đến năm 1994, chiếc máy bay Su-34 đầu tiên mới ra đời.

Buồng lái của hai phi công trên máy bay Su-34 được thiết kế đặt cạnh nhau, giống như trên cường kích Su-24. Điểm khác biệt của "xe tăng bay" Su-34 là nó được trang bị các công nghệ, vũ khí tự bảo vệ tiên tiến để có thể tham gia các trận không chiến.

"Xe tăng bay" Su-34 thả bom trong một cuộc tập trận.

Ngoài tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 có thể khóa mục tiêu theo hướng mắt của phi công, Su-34 còn được trang bị tên lửa tầm xa dẫn đường bằng radar R-77, tương đương với tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ.

Được trang bị hai động cơ AL-31F, Su-34 có thể mang theo một kho vũ khí khổng lồ bên dưới 12 giá treo của mình. Các loại vũ khí tấn công mặt đất và trên biển gồm có tên lửa không đối đất và không đối hải Kh-59ME, Kh-31A, Kh-31P, Kh-29T, Kh-29L và S-25LD. Máy bay cũng mang theo nhiều loại hỏa tiễn, bom thông thường, bom dẫn đường bằng vệ tinh, laser hay quang-điện tử, trong đó có bom chùm RBK-500 và SPBE-D, những vũ khí rất phù hợp để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của IS.

Kho vũ khí trên Sukhoi Su-34.
Sơ đồ kho vũ khí trên chiến đấu cơ Sukhoi Su-34.

Ngoài ra, Su-34 còn được gắn thêm radar ở phía sau để cảnh báo phi công về các mối đe dọa, chẳng hạn như máy bay hay tên lửa địch, đang tiến tới từ đằng sau. Với các vũ khí, công nghệ chuyên dùng để không chiến này, Su-34 hoàn toàn có khả năng "tự hộ tống" khi thực hiện các sứ mệnh không kích mà không cần sự bảo vệ của các chiến đấu cơ khác. Đây là tính năng ưu việt mà các loại máy bay cường kích đơn thuần như Su-24 không thể có được.

 

Vai trò của Su-34 tương tự như F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ. Chiến đấu cơ này có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh đến tính năng tấn công mặt đất và ngăn chặn tầm xa. Su-34 có bán kính chiến đấu khoảng 1.126 km với nhiên liệu nội bộ, nếu tiếp nhiên liệu trên không, phi cơ này có thể bay quảng đường hơn 4.000 km.

Cảm biến chính của Su-34 là radar quét mạng pha điện tử thụ động Leninets B-004. Radar này được phát triển trên công nghệ tương tự dòng Flanker nhưng tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công mặt đất.

B-004 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu khoảng 250 km, lập bản đồ mặt đất ở khoảng cách 150 km.

Ngoài ra, người ta còn trang bị cho máy bay pod tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn ngoài Geofizika FLIR. Tuy nhiên, công nghệ FLIR không phải là thế mạnh của Nga nên họ đang xem xét mua giấy phép sản xuất hệ thống Damocles của Pháp. Các hệ thống FLIR gắn ngoài là rất quan trọng trong việc nhắm mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao.

Các phi công Nga đặt cho máy bay này biệt danh “xe tăng bay” cũng bởi khả năng oanh kích mặt đất đáng sợ của nó. Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar nhận định, việc Nga triển khai Su-34 và Su-30SM đến Syria là cơ hội tốt để Moscow thử nghiệm vũ khí mới.

 

Những hoạt động chiến đấu thực tế là cơ sở quan trọng để Nga đánh giá các công nghệ và vũ khí mới, từ đó đưa ra hiệu chỉnh hoặc cải tiến để nâng cao hiệu suất chiến đấu. Quân đội Nga vẫn thường xuyên thực hiện các hoạt động tập trận thời bình, nhưng vẫn thiếu tính thực tiễn. Do đó, quá trình thực nghiệm tại Syria là cơ sở quan trọng để Nga lấp khoảng trống về chiến đấu so với Mỹ và các đồng minh.

Tùng Bách (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo