Hỗ trợ doanh nghiệp

Tiết lộ lý do Agifish lỗ lớn trong khi nhiều DN thủy sản vẫn lãi mạnh

Khó khăn về thị trường tiêu thụ, bị thắt chặt vốn vay và thiếu hụt nguồn nguyên liệu đang “đè nặng” lên hiệu quả kinh doanh của AGF.

Agifish chạy “ngược”

Trái ngược với hầu hết kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp thủy sản, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish- HoSE: AGF) lại cho thấy hoạt động thiếu hiệu quả của mình khi thua lỗ trong năm 2017 cũng như quý I/2018.

Trong năm tài chính 2017 (1/10-30/9), mặc dù đặt kế hoạch lãi 50 tỷ nhưng AGF bất ngờ báo lỗ đến 187 tỷ đồng. Không những thế, ngay trong quý I/2018 (1/10-31/12) AGF tiếp tục ghi nhận khoản lỗ lớn 96,5 tỷ, nâng tổng lỗ lũy kế trên 188 tỷ đồng.

Kết quả thua lỗ của Agifish càng thêm nặng nề khi đặt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thủy sản khác lại có kết quả kinh doanh rất khả quan.

Tính chung ngành thủy sản, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay trong tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 670 triệu USD, tăng 38,2% so với tháng 1/2017.

Cũng từ đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong năm 2017 vừa qua. Nhìn chung, kết quả tăng trưởng của các doanh nghiệp này chủ yếu nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp cũng như tiết giảm các khoản chi phí hoạt động.

Ông lớn ngành cá tra là Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn giữ được sự tăng trưởng khi ghi nhận doanh thu năm 2017 đạt 8.151 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,6% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thu về 593,3 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016.

Hay CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) vươn lên mạnh mẽ với mức doanh thu tăng trưởng 32% lên 5.330 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, cao hơn năm trước 270%.

Nhờ tăng trưởng doanh thu cũng như tiết kiệm các khoản chi phí, Thủy sản số 4 (TS4) đã chuyển từ lỗ 6,6 tỷ năm 2016 sang có lãi 6,9 tỷ đồng năm 2017.

Đến CTCP Nam Việt (ANV) cũng cho thấy những dấu hiệu sự khởi sắc sau giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu thuần tăng gần 5% lên 2.954 tỷ và lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần năm 2017 khi đạt 132,5 tỷ đồng.

Agifish khó khăn chồng chất

Không được khả quan như các doanh nghiệp trên, tổng doanh thu 2017 của Agifish cho thấy sự sụt giảm mạnh 31% so với 2016 khi đạt 2.273 tỷ đồng và chỉ hoàn thành được 91% chỉ tiêu cả năm. Công ty cũng bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 186 tỷ trong năm qua và lỗ thêm 96 tỷ ngay trong quý I/2018.

Tuy nhiên, sản lượng hàng giá trị gia tăng vẫn tăng 3% với năm cũ khi đạt 3.993 tấn. Sản lượng xuất khẩu (NET) cũng tăng 7% lên 26.324 tấn. Sản lượng thì ổn định trong khi công ty lại thua lỗ đang cho thấy sự bất ổn nhất định trong hiệu quả sản xuất kinh doanh .

Về thị trường, Agifish năm qua không xuất hàng qua Mỹ khi bị áp mức thuế chống phá giá khá cao. Thuế suất áp dụng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Agifish ở mức 0,66 USD/kg. Không thể xuất vào thị trường Mỹ cũng dẫn đến các khoản nợ phải thu tăng cao, buộc công ty phải trích lập dự phòng với số tiền lớn (dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng thêm 83 lên 160 tỷ đồng).

Do vậy, công ty đã tìm kiếm thị trường thay thế mới là Trung Quốc, thị trường này có mức tăng trưởng, song sản lượng xuất chủ yếu là nguyên con nên giá trị thấp, hiệu quả không cao.

Về nguồn nguyên liệu, do ảnh hưởng từ năm 2016 nên diện tích thả nuôi của AGF giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt cá nguyên liệu khi giá cá bắt đầu tăng, công ty phải tăng thu mua bên ngoài nhưng giá xuất khẩu tăng không theo kịp tốc độ tăng giá nguyên liệu.

Trong năm tài chính 2017, tổng sản lượng cá nguyên liệu mà Agifish quản lý là 65.482 tấn, trong đó thu mua ngoài hết 28.690 tấn; tăng mạnh so với sản lượng thu mua chỉ 24.070 tấn của năm 2016. Sản lượng vật tư bao bì PE cũng giảm chỉ còn 2.074 tấn.

Về nguồn vốn, Công ty gặp khó khăn do chính sách tín dụng của các ngân hàng thắt chặt, nguồn vốn công ty bị thiếu hụt không đủ đáp ứng cho các vùng nuôi nguyên liệu dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu nguyên liệu sản xuất, không đủ sản phẩm đáp ứng cho thị trường những lúc giá xuất khẩu tăng cao, lỡ mất thời cơ.

Thiếu nguồn vốn cũng là nguyên nhân các vùng nuôi không đạt hiệu quả, thiếu thức ăn cá chậm lớn, hao hụt nhiều, giá thành tăng, làm cho hiệu quả nuôi không đạt như kế hoạch.

Việc mất thị trường cũng như thiếu hụt nguồn vốn dường như chưa được khắc phục khi Agifish tiếp tục lỗ lớn ngay trong quý I/2018. Lượng cá nguyên liệu nuôi vẫn chưa thể đáp ứng cho các nhà máy chế biến, trong khi giá nguyên liệu ngoài thị trường khá cao.

Nhằm giải quyết những khó khăn trong thời gian tới, Agifish đang hướng đến việc thu gọn các vùng nuôi, đổi mới phương thức quản lý để vùng nuôi đạt hiệu quả; thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng thu hẹp sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để có giá bán tốt tăng hiệu quả; tiết giảm chi phí quản lý, bán hàng,…

Với những kết quả kém hiệu quả trên, cổ phiếu của Agifish cũng bắt đầu lao dốc từ vùng giá 9.500 đồng/cp về mức dưới 7.000 đồng/cp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, cổ phiếu cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 07/03/2018 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo