Hỗ trợ doanh nghiệp

Tìm vốn cho hành trình mới

Nguồn vốn nào cho hành trình mới? Đó là một trong những chủ đề quan trọng được các đại biểu bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3, với chủ đề “Hành trình vào một thế giới mới”, do Tổ chức Economist Conferences (thuộc Tạp chí The Economist) tổ chức tại Hà Nội ngày 11/1.

Hơn 400 đại biểu, trong đó có đại diện của khoảng 150 tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia, cơ quan đại diện nước ngoài, thể chế tài chính và tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tới dự Hội nghị. Đặc biệt, hội nghị lần này còn có sự hiện diện của những tập đoàn kinh tế lớn lần đầu tiên đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Rất thẳng thắn và cởi mở, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chia sẻ những mặt được và chưa được của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm 2011. Ông cũng nhìn nhận kinh tế thế giới đang ở trong thời kỳ khó khăn và Việt Nam là một nền kinh tế mở nên ít nhiều chịu sự tác động. “Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, sau cuộc khủng hoảng bao giờ cũng tạo ra những cơ hội mới, động lực phát triển mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, không chủ quan với những khó khăn trước mắt, không đánh giá thấp những rủi ro, nhất là trong bối cảnh còn nhiều biến động và khó dự báo như hiện nay”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak nhận định, chống tham nhũng, doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả, sự minh bạch là những vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn, nhưng cũng cần phải tăng tốc để chuyển sang giai đoạn mới. “Để bước lên một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa, ‘lên ga’ để đi hết con đường của mình”, ông Michael Michalak nói.

Vấn đề mà doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm tại Hội nghị là tìm nguồn vốn cho quá trình tăng tốc này? Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược FPT nêu câu hỏi: cơ chế chính sách về tài chính nào cho những khoản mục đầu tư dài hạn cho đất nước? “Chúng ta cần có cái nhìn dài hơi nếu không sẽ không thể thực sự thoát nghèo”, ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu  đầu tư của đất nước luôn lớn, kéo theo nhu cầu về vốn,  tạo áp lực lên thị trường tài chính nói chung. Do vậy, vấn đề là làm sao để việc bản thân dự án đầu tư cho hiệu quả, nghĩa là làm sao lựa chọn được các dự án cho hiệu quả nhất, cho bản thân dự án và cho nền tảng phát triển tiếp theo của nền kinh tế. Đây là vấn đề trọng tâm mà Việt Nam đặt ra.

Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết, thời gian qua, VIB đã dành nhiều chương trình ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điển hình là gói hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm và chương trình dành thêm 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp. Ngay đầu năm 2012, VIB vừa triển khai chương trình cho vay cá nhân kinh doanh với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Hạn mức VIB dành cho gói lãi suất cho vay ưu đãi này là 1.000 tỷ đồng. Mới đây, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới đã gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho VIB lên 30 triệu USD, tạo điều kiện cho VIB có thể hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu.

“Tôi cho rằng, việc ngân hàng đưa ra các gói giải pháp tín dụng linh hoạt sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định khi phải đương đầu với những khó khăn về vốn cũng như về đầu ra của sản phẩm, từ đó giúp cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững hơn”, bà Hoa nói.

Nhiều câu hỏi được các khách mời trao đổi tại Hội nghị nhưng đều chung quan điểm rằng, với một phân khúc thị trường đa dạng, dân số trẻ và năng động bên cạnh nỗ lực không ngừng của Chính phủ như tính cam kết trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, không lấy mục tiêu tăng trưởng là ưu tiên, mà tăng trưởng vì việc làm, ổn định xã hội, hiệu quả đồng vốn... Việt Nam đã sẵn sàng bước vào một hành trình mới.

Theo baodautu.vn

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo