Tin tức - Sự kiện

"Nếu thất bại trên mặt trận truyền thông, người dân sẽ hoảng loạn vì Covid-19"

DNVN - Đây là nhận định của BS. Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, tại Tọa đàm "Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19" do CLB Cafe số (Hội Truyền thông số VN) và Báo Giao thông tổ chức chiều 20/02 tại Hà Nội.

TTC thu mua nông sản giúp nông dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 / Clip: Bộ Y tế giải đáp thắc mắc của người dân về Covid-19

Theo BS. Trần Văn Phúc, đợt dịch Covid-19 đã đặt đất nước vào tình trạng giống như chiến tranh với việc tất cả hệ thống được kích hoạt. Vai trò quan quan trọng số 1 của những người làm công tác phòng chống dịch là để dịch không lan vào Việt Nam và khi vào Việt Nam thì không để bùng phát dịch và lan rộng. Và Việt Nam đã thành công trong công tác phòng, chống dịch. Đây là lực lượng xung kích thứ nhất.
"Theo tôi, lực lượng xung kích thứ 2 cũng cực kỳ quan trọng, đó là vai trò của truyền thông. Trong đợt dịch này, chúng ta thành hay bại, vai trò của truyền thông chiếm tỷ lệ rất cao, có thể chiếm tới 30%, sau đó đến bác sỹ điều trị, rồi mới đến chúng tôi là bác sỹ chẩn đoán hình ảnh - những người đứng sau nữa, ngồi trong bóng tối, làm sao để các tấm phim cất lên tiếng nói, từ đó tìm hướng điều trị cho bệnh nhân", BS. Trần Văn Phúc nhấn mạnh.
BS chia sẻ rằng, tất cả các bác sỹ đều học toán thống kê, đây là vấn đề rất hay. Bởi mọi vấn đề dù khó khăn đến mấy đều có những ngôn ngữ để giải thích tường minh với công chúng để công chúng.
Vị bác sỹ này dẫn ví dụ, cách đây đúng 1 tuần, ngày 13/02/2020, khi Trung Quốc công bố tổng số ca nhiễm mới 14.840 bệnh nhân - tức là số lượng bệnh nhân đã tăng gấp 10 lần so với 2 ngày trước đó. Tại sao tăng đột biến vậy? Lý do là Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán: trước đây các bệnh nhân chỉ được coi nhiễm Covid-19 khi có xét nghiệm dương tính, còn từ ngày 12/2 Trung Quốc thay đổi cách tính, không cần có xét nghiệm nữa, chỉ cần dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Khi đó dư luận cho rằng, tình hình dịch bệnh bùng phát lên và không kịp kiểm soát nữa.

BS. Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, chia sẻ tại Tọa đàm "Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19" . (Ảnh: Viettimes)
"Người dân cứ nghĩ rằng căn bệnh này quá mới, dẫn đến sợ hãi và nghĩ rằng ngành y tế chưa biết gì virus này. Nhưng không phải như thế vì liên tục có virus mới và liên tục có sự phát triển. Do vậy, chúng tôi cũng liên tục phải cập nhật và liên tục phải bám sát tình hình. Y học đòi hỏi sự chính xác rất cao chứ không làm theo cảm tính. Dù dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam mới chỉ 16 bệnh nhân nhưng bản thân các cán bộ y tế luôn cập nhật kiến thức để làm chủ tình hình.
"Tôi cho rằng, vai trò của truyền thông cũng rất cần làm thế nào để người dân hiểu rõ. Truyền thông có vai trò quan trọng nhiều hơn chúng tôi rất nhiều. Truyền thông phải làm sao để con số cất lên tiếng nói, làm sao để thông tin không đe doạ người dân. Đây là điều quan trọng... Nếu như chúng ta mà thất bại trên mặt trận truyền thông thì đảm bảo 100% sẽ thất bại khi dịch xuất hiện", BS. Trần Văn Phúc chia sẻ.
Khi dịch vào Việt Nam, BS. Trần Văn Phúc có viết bài vào ngày 08/01/2020 nhằm cảnh báo về dịch bệnh này. Trong đó, BS nhận định: "Nếu truyền thông thất bại thì chắc chắn Việt Nam vỡ chợ, không thể tồn tại đến ngày hôm nay được. Chúng ta phải trả giá vô cùng đắt".
Lấy dẫn chứng cụ thể, BS Phúc cho biết, trong dịch Mers CoV - bệnh viêm phổi đường hô hấp cấp nặng vùng Trung Đông năm 2015 diễn ra ở Hàn Quốc. Khi đó, truyền thông Hàn Quốc đã đi chậm vài nhịp. WHO đã có hẳn 1 công trình nghiên cứu và khẳng định truyền thông của Hàn Quốc đã đi chậm một nhịp, rằng Hàn Quốc không có truyền thông nguy cơ mà Bộ Y tế đang triển khai và được thế giới đánh giá cao.
Vì truyền thông đi chậm nên người dân Hàn Quốc không biết dịch Mers CoV là gì. Họ tự vào mạng tìm thông tin, loạn tin đồn. Sau khi loan tin đồn thì Hàn Quốc có 186 bệnh nhân nhiễm Mers CoV nhưng tử vong là 38 bệnh nhân. Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức phải cách ly tuyệt đối 16.752 bệnh nhân. Hệ quả toàn xã hội Hàn Quốc thời điểm đó bị rối loạn, chính trị khủng hoảng, xã hội rối loạn, bệnh nhân sợ hãi, giá cả leo thang. Dù WHO giải thích dịch bệnh này không lây nhưng do người dân hoảng loạn đã không cho con đến trường. Hàn Quốc phải đóng cửa toàn bộ trường học từ mầm non đến đại học.
"Số tiền Hàn Quốc mất đi 10 tỷ USD vì dịch bệnh này. GDP sụt giảm khoảng 0,2%. Có thể nói, nếu truyền thông đi chậm thì rất nguy hiểm. Nhiều công trình nghiên cứu sau đó giải thích lý do tại sao Hàn Quốc lại thất bại trong đợt dịch Mers CoV. Số lượng không nhiều, không như cúm mùa hay H1N1, H1N9 - tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. Tôi khẳng định lại rằng vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng", BS. Trần Văn Phúc nhấn mạnh.
Ví dụ thứ hai, năm 2019, dịch Ebola xảy ra ở Cộng hòa Congo. Khi dịch mới chỉ xuất hiện, Congo đã không làm được công tác truyền thông giải thích cho người dân phòng dịch, dẫn đến người dân hoảng loạn, kéo theo xảy ra 300 cuộc người dân tụ tập, tấn công nhân viên y tế, dẫn đến 6 nhân viên y tế chết, 70 nhân viên y tế bị thương nặng phải cấp cứu. Congo đã phải trả giá rất đắt trong năm 2019.
"Ngoài ra, tất cả câu chuyện chống kỳ thị, bài học khẩu trang của chúng ta, bài học về Vĩnh Phúc... cho thấy chúng ta rất thành công trong công tác truyền thông đối với dịch bệnh này. Chưa khi nào truyền thông làm tốt như đợt dịch này, góp phần cho ngành y tế ngăn chặn được dịch", BS. Trần Văn Phúc đánh giá.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm