Áo dài Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh
Đà Nẵng: Tạm dừng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật dịp lễ 30/4 – 1/5 / Hà Nam: Phát hiện 5 ca nhiễm Covid-19, chùa Tam Chúc tạm thời đóng cửa
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, bên cạnh màu áo xanh của người lính còn có biết bao nhiêu thành phần, tầng lớp nhân dân yêu nước đã góp công sức chiến đấu, hy sinh cho tổ quốc. Hàng triệu người dân phương Nam tuy không mặc áo lính, không cầm vũ khí, không được huấn luyện để chiến đấu vẫn tham gia trên nhiều mặt trận, bí mật hoặc công khai, đã phải vượt qua bao nhiêu gian khổ, thử thách khốc liệt.
Đã có những phụ nữ bề ngoài tuy rất dịu dàng, bình dị, thướt tha trong tà áo dài truyền thống mà vẫn âm thầm hoạt động cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như những người lính thực thụ.
Bà Trịnh Thu Nga.
Ở tuổi 84, bà Trịnh Thu Nga - nguyên cán bộ tình báo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khu Sài Gòn - Gia Định, vẫn giữ thói quen mặc áo dài khi đi ra ngoài. Gần 70 năm trước, cũng vẫn trong tà áo dài, bà là một cán bộ nội tuyến, tham gia hoạt động tình báo khi làm thư ký Quốc hội của chính quyền Sài Gòn, ghi lại nguyên văn các thảo luận về kế hoạch, ngân sách dành cho chiến tranh, các đối sách, kế hoạch hành quân, đàn áp cách mạng…
Rất nhiều tin tức bí mật, có ích cho cách mạng thông qua bà đã được chuyển đến khu ủy. Trong mọi hoạt động lúc đó, chiếc áo dài đã gắn bó xuyên suốt cùng bà, lúc ở nghị trường, lúc vận chuyển vũ khí vào nội thành mà lính canh gác không thể ngờ tới.
Không chỉ có bà Thu Nga, rất nhiều phụ nữ trong chiến tranh son sắt thủy chung với áo dài. Họ mặc áo dài trên chính trường quốc tế, đi biểu tình, hội họp. Đặc biệt chiếc áo dài gắn liền với phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định những năm 60-70 của thế kỷ trước.
"Chiếc áo dài không hề làm mất đi sự năng động của thanh niên nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Biểu tình, đốt xe Mỹ vẫn mặc áo dài. Khi nó rượt thì cầm hai tà áo dài này lên, cột lại để cho gọn để chạy không vấp té. Nhưng đến một đoạn nào đó xõa 2 tà áo dài ra thì mình trở thành một người rất bình thường như bao người khác. Và như thế là ung dung đi, không phân biệt mình là người đã từng đốt xe Mỹ, người đã từng biểu tình", bà Lê Tú Cẩm, cựu tù chính trị Côn Đảo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP. Hồ Chí Minh kể.
Chiếc áo dài không chỉ là vẻ đẹp mà còn trở thành biểu tượng của sự kiên cường. Tham gia phong trào từ năm 1960, bà Nguyễn Thị Phi Vân thường mặc áo dài đi rải truyền đơn và vận chuyển vũ khí trong nội thành. Tháng 5/1956, bà bị bắt và trong suốt 3 ngày đầu vẫn kiên quyết mặc áo dài, cho đến khi chiếc áo rách nát sau các đòn tra tấn.
7 năm, đi qua 5 nhà tù, khi vết thương và những di chứng của đòn tra tấn còn đó, chiếc áo dài như một nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao. Khát vọng được ra khỏi nhà tù, được mặc áo dài trong một đất nước thanh bình đã nuôi dưỡng ý chí sống và chiến đấu của bà.
Chiến tranh, ngục tù không thể tàn phá nổi vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ này, không lay chuyển được tình yêu tha thiết của họ với quê hương, với áo dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo