Bộ Công Thương yêu cầu mở đợt cao điểm kiểm tra chấp hành pháp luật về giá
Đà Nẵng: Phát hiện nhiều vi phạm tại nhà hàng mà đoàn khách Quảng Ninh bị ngộ độc thực phẩm có đến ăn trưa / Tháo gỡ khó khăn trong phát triển KCN tại Đà Nẵng
Theo Bộ Công Thương, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Trước tình hình nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm.
"Ngoài ra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cơ quan báo chí thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá.
Các mặt hàng được Bộ trưởng lưu ý đặc biệt bao gồm lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong bối cảnh áp lực lạm phát lớn nửa cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá thế giới, linh hoạt sử dụng công cụ Quỹ bình ổn trong điều hành để "giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp", và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng. Bộ trưởng Tài chính báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Do tác động từ giá xăng dầu, dịch vụ vận tải, logistics... vừa qua đã có đợt tăng, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông vận tải cùng các địa phương rà soát kê khai giá vận tải của doanh nghiệp. Việc này nhằm đánh giá việc điều chỉnh vừa qua có phù hợp với các yếu tố đầu vào, nhất là chi phí xăng dầu trong hình thành giá hay không. Trường hợp có thể, doanh nghiệp sẽ được yêu cầu giảm giá kịp thời.
Từ đầu tháng đến nay, giá xăng trong nước đã giảm hơn 7.000 đồng/lít, xuống quanh mức 24.000 - 25.500 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2. Mặc dù giá xăng đã 2 lần liên tiếp giảm sâu nhưng nhiều mặt hàng vẫn neo giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo