Tin tức - Sự kiện

Hành lang kinh tế Đông Tây: Muốn đi xa phải đi cùng nhau

DNVN - Trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022, sáng 4/8, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistisc trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Triển lãm điêu khắc “Con giống” đến Đà Nẵng / Tập đoàn Nhật Bản và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hợp tác phát triển nhân lực

EWEC chưa thực sự trở thành hành lang kinh tế xuyên biên giới

Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistisc trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu từ các bộ, ngành trung ương; các tỉnh, thành của Việt Nam, Lào; các hiệp hội và tổ chức quốc tế; các trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động thương mại và dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế này.

Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistisc trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 4/8

Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistisc trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 4/8.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn, EWEC là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước trên hành lang. Với chiều dài 1.450km, EWEC đi qua 4 nước, bắt đầu từ TP Mawlamyine (Myanmar) qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam tại TP Đà Nẵng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hàng lang này đăc biệt quan trọng vì "vắt ngang" qua bán đảo Đông Nam Á, nối liền 2 khu vực kinh tế là Đông Á với Nam Á và rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, tuyến EWEC chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua 3 địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Sơn, đến nay sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên tuyến vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để EWEC trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự. Hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển.

Do đó, ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh, việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC là rất cần thiết để đây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics.

Trên tinh thần đó, một trong những mục tiêu của Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistisc trên tuyến EWEC là đưa ra nhận thức chung, đề xuất cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, TP không những của Việt Nam mà còn của Lào, Thái Lan, Myanmar nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong hoạt động logistics nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói về tầm quan trọng của EWEC

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói về tầm quan trọng của EWEC.

Đồng hành cùng nhau

Tại diễn đàn, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về tiềm năng phát triển thương mại của EWEC trên lãnh thổ Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế thông qua cảng biển Đà Nẵng. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị cụ thể với các cơ quan nhà nước có liên quan nhằm phát triển thương mại thông qua phát triển vận tải xuyên biên giới tuyến hành lang kinh tế này.

Trong đó, các đại biểu thống nhất nhận định vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh và chuyển tải giữa các nước trên EWEC. Việc nâng cao hiệu quả vận tải sẽ góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới, tận dụng lợi thế và phát triển kinh tế của hành lang kinh tế này.

Diễn đàn cũng xác định Đà Nẵng có tầm quan trọng về địa chính trị trên EWEC, là điểm đầu và điểm cuối của hàng lang. TP này có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phát triển với cảng biển định hướng tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có sân bay quốc tế và hệ thống đường bộ kết nối với cả nước.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Công Bằng, hạ tầng giao thông kết nối sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ logistics trên EWEC. Do đó giai đoạn tới cần tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông giữa các quốc gia trên hành lang. Ông cũng nhận định xu hướng tái định hình và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội lớn cho các địa phương trên EWEC hội nhập sâu rộng hơn nữa trong dòng chảy thương mại quốc tế.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn, một trong những thông điệp quan trọng và nhất quán của Diễn đàn là phải đồng hành cùng nhau. Trong bối cảnh xuất phát điểm về kinh tế, kết cấu hạ tầng của các địa phương trên hành lang còn thấp, con đường phát triển còn gập ghềnh, khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, khu vực.

“Hơn lúc nào hết, câu ngạn ngữ, "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau" càng trở nên phù hợp với các địa phương trên EWEC. Tôi hy vọng diễn đàn này có thể mở ra cơ hội trở thành một diễn đàn thường niên do các địa phương trên EWEC luân phiên tổ chức, không chỉ giới hạn ở thảo luận, chia sẻ, đề xuất giải quyết các vấn đề về dịch vụ logistics mà còn mở rộng toàn diện các vấn đề về kinh tế - xã hội trên hành lang này”, ông Trần Phước Sơn nói.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm