Cao Bằng: Chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện nghi ngờ COVID-19
Lùi thời gian tổ chức Festival Huế 2020 vì lo ngại Covid-19 / Vingroup tài trợ 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu chống virus COVID-19
Ngày 22/2, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, đã về kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh và khu cách ly người nhập cảnh tỉnh Cao Bằng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (bên trái) kiểm tra công tác chống dịch COVID-19 tại Cao Bắng. Nguồn ảnh: Theo Bộ Y tế
Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Cao Bằng cho biết: Tỉnh đã tổ chức, triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh; các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ ngành TW.
Tại tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào có biểu hiện nghi ngờ COVID -19. Tính đến ngày 22/2, Cao Bằng đã tiếp nhận tổng số 1.457 công dân Việt Nam từ Trung Quốc về qua biên giới của tỉnh. Tỉnh đã tổ chức quản lý, thực hiện cách ly theo dõi sức khoẻ tập trung theo quy định. Hiện tại, số công dân đang được cách ly theo dõi tính đến 9h sáng 22/2 là 715 người; cách ly theo dõi tại nhà, nơi cư trú 26 người.
Riêng huyện Trà Lĩnh từ ngày 3/2 đến nay tiếp nhận 408 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc; huyện bố trí khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, đến nay cơ sở đang cách ly 68 người.
Bên cạnh đó, Lực lượng Biên phòng đã lập 70 điểm chốt để quản lý việc qua lại khu vực đường mòn trên biên giới; thực hiện khai tờ khai y tế và kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu; tổ chức rà soát, thống kê số lượng người dân địa phương đi làm việc tại Trung Quốc đã trở về địa phương hoặc đang ở Trung Quốc, số lao động Trung Quốc làm việc trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dich bệnh… Ngoài ra, các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã thành lập đội phản ứng nhanh và đội cơ động phản ứng nhanh.
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương. Đồng thời, công bố đường dây nóng (0812.848.389) để tiếp nhận thông tin và chỉ đạo kịp thời; bảo đảm các cơ sở khám, chữa bệnh đầy đủ thuốc men, phương tiện cấp cứu, khu cách ly, giường bệnh…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, để phòng chống dịch, tỉnh đã bố trí hơn 20 tỷ đồng dành cho hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ cho địa phương một số trang thiết bị vật tư phòng chống dịch...
Sau khi lắng nghe báo cáo của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc đánh giá tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nghiêm túc các công việc phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, chuẩn bị cơ sở vật chất, nơi thu dung, tiếp nhận công dân cách ly...
Đoàn công tác sẽ kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm trang thiết bị, hỗ trợ tỉnh nhân lực y tế phòng chống dịch. Đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Cao Bằng quan tâm trang bị đầy đủ thiết bị y tế cho lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu như biên phòng, y tế; thực hiện nghiêm các công văn hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khẳng định, công tác cách ly là phương pháp quan trọng hiện nay, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các hướng dẫn về quy định cách ly. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp trình xin nâng kinh phí hỗ trợ cho công dân trong thời gian cách ly.
Bước sang sáng ngày 23/2/2020, thế giới ghi nhận thêm 1.417 trường hợp mắc, thêm 207 người chết do bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới COVID-19 (nCoV) gây ra. Tại Hàn Quốc, số người mắc tăng lên hơn gấp đôi sau 24 giờ qua. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 7h45 ngày 23/2/2020, thế giới có 78.629 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona COVID-19 (nCoV), trong đó tại Trung Quốc đại lục là 76.921 ca. Tổng số trường hợp tử vong trên thế giới là 2.458 ca, trong đó có 2.441 ca tử vong là ở Trung Quốc đại lục. Trong 1 ngày qua (tính từ 6h30 sáng 22/2 đến 7h45 phút sáng 23/2), thế giới ghi nhận thêm 1.417 ca nhiễm mới, thêm 207 ca tử vong (tăng 201 trường hợp so với thời điểm này ngày hôm qua). Các quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài Trung Quốc đại lục) ghi nhận trường hợp mắc như sau: Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc đại lục: 1708 trường hợp, 19 ca tử vong. Bệnh lan ra 31 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài Trung Quốc đại lục). Tại Nhật Bản, con số người mắc đã lên tới 768 người (tàu Diamond Princess 634 người), tăng thêm 26 người so với hôm qua, 4 người tử vong trong đó có 2 người trên tàu Diamond Princess. Riêng Hàn Quốc, con số người mắc đến 7h45 sáng nay đã tăng lên 433 (tăng hơn gấp đôi so với giờ này hôm qua), có 2 người tử vong. Số ca hồi phục tăng lên, đến hôm nay số ca phục hồi xuất viện trên thế giới là 20.870, tại Trung Quốc là 20.659 (tăng 2.395 ca so với hôm qua). Tính đến 7h30 ngày hôm nay (23/2) Việt Nam có 15/16 trường hợp khỏi bệnh, trong đó có 4 ca được điều trị khỏi tại tuyến huyện, đánh dấu sự nỗ lực và tự tin của ngành Y tế Việt Nam đối với việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) gây ra. Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới và các nước trên thế giới đánh giá cao. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển