Công trình chống sạt lở tại Đồng Tháp liên tục... sạt lở
Đồng Tháp: TP Cao Lãnh dừng bán hàng ăn uống tại chỗ / Quy định cách ly, đi lại mới nhất khi vào tỉnh Đồng Tháp
Niềm vui chưa dứt thêm nỗi lo mất nhà
Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định đầu tư dự án bờ kè chống xói lở bờ sông Tiền ở khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Dự án trên do Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Viện kỹ thuật biển và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam là đơn vị khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp là đơn vị quản lý dự án và giám sát.
Quá trình thi công liên tục xảy ra sự cố sạt lở khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang, lo sợ…
Dự án có 2 gói thầu xây lắp, đều do Công ty Cổ phần Nhân Bình, thi công. Cụ thể, gói thầu số 6 là xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở, thực hiện thi công ở chân kè (từ cao trình +0,5m trở xuống lòng sông). Gói thầu này, Công ty Cổ phần Nhân Bình được chỉ định thi công với giá trị hợp đồng hơn 53,6 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 9/2016, hoàn thành vào cuối năm 2017.
Gói thầu số 7 là kè bê tông cốt thép bảo vệ bờ, thực hiện thi công phần trên bờ (từ cao trình +0,5m trở lên trên bờ) cũng do Công ty Cổ phần Nhân Bình thi công (áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi), giá trị thực hiện hơn 24,8 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2017, hoàn thành vào cuối năm 2020 (chưa hết bảo hành).
Quá trình thực hiện Dự án xảy ra 3 lần sạt, trượt công trình gồm: Sự cố công trình tháng 5/2019; Sạt trượt chân kè vào tháng 4/2021 và mới đây nhất là Lún nghiêng đỉnh kè vào tháng 4/2022. Việc liên tục xảy ra sự cố sạt lở khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang, lo sợ…
Theo người dân địa phương, khi triển khai dự án họ đều rất vui mừng. Dự án góp phần hạn chế việc sạt lở bờ sông Tiền. Một số hộ dân ở ven sông nằm trong khu vực dự án rất phấn khởi, gom góp tiền bạc tích lũy để xây dựng nhà cửa, hàng rào. Tuy nhiên niềm vui của người dân chẳng được bao lâu, khu vực dự án lại tiếp tục xảy ra sạt lở, đe dọa công trình, nhà cửa và cây trồng.
Ghi nhận thực tế của PV Doanh nghiệp Việt Nam, vào ngày 19/4, nhiều hộ dân sống dọc theo bờ kè rất rất lo lắng khi công trình liên tục xảy ra sự cố, sạt lở. Người dân thấp thỏm lo lắng vì tình trạng nứt, lún nghiêng tại khu vực dự án và việc này chưa có dấu hiệu dừng lại. “Cách đây 2 ngày, tại khu vực kè, nhóm thợ lặn gần 10 người đã tiến hành lặn thăm dò sát thân kè, với độ sâu lên đến hàng chục mét. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, rất có thể sẽ xảy ra sạt lở tiếp theo ở công trình này”, một người dân cho hay.
Anh Lê Quốc Tuấn (30 tuổi, người dân địa phương) cho biết: Là người địa phương sống ở đây từ nhỏ đến lớn, khi nghe nhà nước làm rất mừng rỡ nên làm nhà lại cho khang trang, đang làm thì xảy ra sự cố sạt như vậy. “Giờ hàng rào nứt phải lấy dây chằng lại. Ban đêm ngủ cũng không dám đóng cửa nhà đề phòng có chuyện thì chạy thoát thân”, anh Tuấn lo lắng.
Càng thi công… càng lở
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, quá trình thực hiện dự án đã xảy ra 3 lần sạt, trượt công trình gồm: Sự cố công trình tháng 5/2019; Sạt trượt chân kè vào tháng 4/2021 và mới đây nhất là Lún nghiêng đỉnh kè vào đầu tháng 4 này.
Cụ thể, vào sáng 9/5/2019, tại gói thầu số 7, xảy ra sạt lở với chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 9m. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và các bên liên quan đã thực hiện các phương án khắc phục. Tổng giá trị khắc phục sự cố lần này là là hơn 7,5 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ do nguyên nhân khách quan là 40%, tương dương hơn 3 tỷ đồng, nguyên nhân chủ quan là 60%. Viện kỹ thuật biển đã nộp 10%, tương đương hơn 757 triệu đồng, đơn vị thi công nộp 45%, tương đương hơn 3,4 tỷ đồng, đơn vị giám sát nộp 5%, tương đương hơn 378 triệu đồng.
Sáng 9/5/2019, tại gói thầu số 7, xảy ra sạt lở với chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 9m. Theo người dân, sau khi xảy ra sạt lở, đơn vị thi công cho làm đường tạm qua khu vực này và được sử dụng cho đến nay.
Đến ngày 4/4/2021, tại Gói thầu số 6 (từ mặt cắt MC740 đến mặt cắt MC800), một phần thảm đá và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã bị trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40m. Ngay khi xảy ra sự việc, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công, đơn vị lặn cùng có mặt tại hiện trường để có giải pháp xử lý kịp thời. Ngày 6/4/2021 đơn vị thi công đã huy động nguồn lực thực hiện thả bao tải cát đắp bù tạo mái, gia cố cọc bê tông cốt thép để giữ ổn định thân kè.
Sau khi xảy ra sự cố nêu trên, tháng 8/2020, UBND tỉnh Đồng Tháp, đã quyết định phê duyệt phương án xử lý khẩn cấp khắc phục các hố xoáy mới phát sinh giáp chân kè chợ Bình Thành. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, đơn vị quản lý dự án và giám sát dự án được giao làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư gần 19 tỷ đồng, chi từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh. Chủ đầu tư được chỉ định thầu xử lý các hố xoáy mới phát sinh giáp chân kè, với tổng chiều dài 260m. Công ty CP Nhân Bình được chỉ định thầu thi công lấp các hố xoáy bờ kè.
Như vậy, kể từ khi triển khai dự án, đã tiêu tốn hơn 100 tỷ đồng. Tất cả các gói thầu đều do Công ty Cổ phần Nhân Bình, trong đó có 2 gói thầu được chỉ định. Đến sáng 4/4/2021, tại công trình kè chống xói lở đã xảy ra sạt trượt chân kè có chiều dài hơn 60m. Khu vực sạt lở thuộc gói thầu số 6, đã xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở và nghiệm thu vào năm 2017.
Sau hai ngày xảy ra sạt trượt, đơn vị thi công đã thực hiện thả bao tải cát đắp bù tạo mái, gia cố cọc bê tông cốt thép để ổn định thân kè và hoàn thành vào cuối năm 2021.
Tại vị trí sạt trượt trước đó, tiếp tục có dấu hiệu nứt, lún nghiêng.
Sau 4 tháng khắc phục, ngày 1/4, cũng tại vị trí sạt trượt, tiếp tục có dấu hiệu nứt, lún nghiêng. Qua kiểm tra, chân kè tiếp tục lún mái, đỉnh kè bị nghiêng. Nhà thầu đã hạ tải công trình, gia cố cọc bê tông cốt thép, đá hộc thả rồi gia cố chân tại vị trí này. Hiện nay chủ đầu tư đang cùng các đơn vị liên quan rà soát, tìm giải pháp xử lý phù hợp để bảo đảm ổn định tổng thể công trình.
Trước tình hình trên, ngày 10/4, lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số Sở, ngành, địa phương trực tiếp khảo sát thực tế hiện trường và chỉ đạo tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khắc phục.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Ngoan - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, công trình đã xong hết, nghiệm thu rồi, tới thời gian sau hết 12 tháng xóa bảo hành thì phát hiện bị lệch nghiêng nên dừng lại để sửa chữa, bảo hành.
Tại cuộc họp ngày 18/4 với lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất cần phải xử lý ổn định phần chân kè trước khi xây dựng phần lan can, vỉa hè thuộc phần đỉnh kè. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT làm việc cụ thể với tư vấn thiết kế là Viện Kỹ thuật Biển, tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm thống nhất phương án xử lý để có văn bản chính thức đề xuất các phương án xử lý trình UBND tỉnh.
Cận cảnh công trình bị sạt lở...
Kể từ khi triển khai dự án, đã tiêu tốn hơn 100 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất