Đắk Lắk: Doanh nghiệp du lịch kêu gọi du khách "cười với voi thay vì cưỡi voi"
Hoa hậu H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2023 / Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
Trung tâm du lịch (TTDL) Cầu treo Buôn Đôn – Làng Đảo (buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), cho biết đang tích cực triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông và du lịch “Tôi cười cùng voi - Tôi ngưng cưỡi voi”, để kêu gọi người dân và du khách không tổ chức và sử dụng dịch vụ cưỡi voi.
Dịch vụ du lịch voi thân thiện là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo tồn voi Buôn Đôn - Đắk Lắk.
Trước đó, từ ngày 10/2, sau thời gian vận động, các chủ voi là người dân địa phương tại Buôn Đôn đã cùng với TTDL Cầu treo Buôn Đôn ngừng hẳn dịch vụ cưỡi voi. Đây là đơn vị tiên phong và duy nhất của tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc ngưng hoạt động này.
Việc ngừng dịch vụ cưỡi voi là hợp với xu thế du lịch nhân văn, giúp voi Đắk Lắk có thể duy trì được sức khoẻ. Điều này rất quan trọng đối với chủ trương bảo tồn đàn voi nhà của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, phần đa hiện nay voi Đắk Lắk được thuần hoá và nuôi dưỡng bởi người dân địa phương. Nếu chỉ dừng lại ở việc vận động chủ voi ngưng tham gia cung cấp dịch vụ cưỡi voi, mà không giúp họ có nguồn thu nhập khác để tạo sinh kế cho gia đình và có điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho voi thì tính khả thi sẽ không được lâu bền.
Do đó, ngay sau khi vận động người dân ngưng tham gia cung cấp dịch vụ cưỡi voi, TTDL Cầu treo Buôn Đôn đã triển khai các dịch vụ du lịch voi thân thiện, như: chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn, tắm cùng voi… với mong muốn sớm mang lại nguồn thu nhập đủ tốt cho chủ voi, nài voi nhằm giúp họ an tâm và tin tưởng vào chủ trương đúng đắn này.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kim Ánh - Giám đốc Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện, đơn vị quản lý TTDL Cầu treo Buôn Đôn, sau khi ngưng hoạt động cưỡi voi, lượng khách du lịch đến với Buôn Đôn đã giảm mạnh. Việc này khiến cho hoạt động du lịch voi thân thiện hiện chưa tiếp cận được đến nhiều du khách, gây ra nguy cơ mất an toàn thu nhập, làm ảnh hưởng mạnh đến đời sống của gia đình chủ voi, dẫn đến công tác chăm sóc sức khoẻ cho voi Buôn Đôn sẽ không được bảo đảm.
Cười với voi thay vì cưỡi voi là thông điệp nhân văn ngành du lịch Đắk Lắk muốn gửi đến du khách.
Cũng theo bà Trần Thị Kim Ánh, việc tuyên truyền cho người dân địa phương và du khách đến với Đắk Lắk nói chung, Buôn Đôn nói riêng về “dịch vụ voi thân thiện” là cấp thiết, nhằm giúp chủ trương và hoạt động ngưng cưỡi voi, bảo tồn voi Buôn Đôn được duy trì lâu dài.
“Để làm được điều này, công tác hỗ trợ truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí là hết sức cần thiết. Chúng tôi hy vọng rằng, với tiếng nói uy tín và sức lan toả mạnh mẽ của truyền thông, voi Buôn Đôn nói riêng, voi Đắk Lắk nói chung sẽ sớm không còn “bị cưỡi trên lưng””, Giám đốc Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo