ĐBQH yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD & ĐT trả lại công bằng cho thí sinh trượt oan
DNVN - Mặc dù chia sẻ với những khó khăn của Bộ GD & ĐT nhưng tranh luận tại nghị trường sáng 31/5, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra giải pháp trả lại công bằng cho những thí sinh bị trượt oan do tiêu cực trong thi cử trong thời gian vừa qua.
Công bố nghị quyết hướng dẫn về tội rửa tiền / Một loạt thông tư quan trọng có hiệu lực từ đầu tháng 6/2019
Giải trình, làm rõ một số vấn đề giáo dục, đào tạo mà các ĐBQH và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện lộ trình này và qua hàng năm, chúng tôi đã triển khai kỳ thi, giảm áp lực và từng bước khắc phục tình trạng không minh bạch và tiến tới một kỳ thi trung thực. Tuy nhiên, trong năm 2018 xảy ra gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khâu trông thi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về nguyên nhân để xảy ra tình trạng gian lận ở một số địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm và thiếu xót. Cụ thể, ông cho biết phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi. Công tác thanh tra, kiểm tra vẫn chưa thực sự sâu sắc trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương.
Về phía địa phương, ban chỉ đạo thi và hội đồng thi ở địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt là chọn cán bộ tham gia thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dẫn đến chủ động thông đồng và kết nối với nhau để làm gian lận này.
Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: VPQH)
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn thanh tra để kiểm tra và đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp. Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, phải làm nghiêm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra, xác minh, bước đầu đã có được kết quả. Các em được nâng điểm đã chấm đưa vào điểm thật. Các em không đủ điểm thi vào đại học đã bị trả lại về địa phương.
Liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa đề cập tới giải pháp để phát triển quyền lợi của các thí sinh đã bị tuột mất cơ hội. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để gọi và công nhận bù lại những thí sinh đã bị mất cơ hội để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật mà đã bị mất cơ hội do sự gian lận vừa rồi.
Vấn đề thi chung cũng được một số ĐBQH tranh luận. Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) khẳng định phát biểu của Bộ trưởng về thi "hai chung" cho thấy đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, thực tế không thể hiện hoàn toàn như thế, đề nghị Bộ trưởng xem xét, đánh giá tác động thi hai chung và giao quyền tự chủ cho các trường đại học có quyền tổ chức thi cử sản phẩm đầu vào và đầu ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đồng thuận với ý kiến của đại biểu Thái Trường Giang, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Nhạ làm rõ thêm vấn đề này.
"Bộ trưởng đã nói kỳ thi chung có ưu điểm và bất cập sẽ tìm cách khắc phục dần, tuy nhiên từ khi tổ chức kỳ thi chung, bất cập, hệ lụy luôn xảy ra và ngày càng trầm trọng và đến năm 2018, hệ lụy như thế nào thì tất cả đại biểu đều biết. Theo tôi, việc tích hợp hai kỳ thi có hai mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ còn xảy ra những hệ lụy khó lường", Đại biểu đoàn Thái Bình nêu.
Theo đại biểu này, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, để xét công nhận tốt nghiệp, đây là quá trình 03 năm các em học THPT, trong khối lượng kiến thức rất lớn, nhiều môn, chỉ trong mấy môn thi tốt nghiệp thì không thể đánh giá cả quá trình học và quá trình học các em đều thi hết môn, đạt 5 điểm trở lên mới đạt yêu cầu. Trong khi tốt nghiệp chỉ cần không đạt điểm liệt, tức là trên 1 điểm là được công nhận, chỉ với tổng số điểm tốt nghiệp cộng với tổng kết năm lớp 12 trên 5 điểm là được. Rõ ràng điều này không công bằng.
Bà Dung nói thêm, vấn đề hướng tới tự chủ đại học nên để các trường chủ động tuyển sinh đại học. Vì vậy nên tách hai kỳ thi này, xét tốt nghiệp nên giao cho các địa phương chỉ xét mà không cần thi.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) ủng hộ việc gộp 02 kỳ thi này. Bởi thực tế, việc gộp 02 kỳ thi đã phát huy nhiều ưu điểm. Thứ nhất, giảm áp lực, tốn kém cho người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh chọn trường, tăng cường phân luồng bởi thí sinh thi tại địa phương tâm lý sẽ thoải mái hơn và gia đình thí sinh sẽ giảm chi phí tốn kém trong sinh hoạt, đi lại.
Ưu điểm thứ hai, việc tổ chức kỳ thi sẽ làm căn cứ quan trọng để các trường trung học phổ thông đánh giá lại chất lượng giáo dục trong những năm học phổ thông. Đây là việc điều chỉnh lại phương pháp dạy học và kết quả mà khối phổ thông và các trường cụ thể đã triển khai và tiến hành trong một thời gian, cũng để đánh giá, điều chỉnh lại phương pháp dạy học.
"Thí sinh khi biết phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp thì thái độ trong quá trình học sẽ tích cực hơn bởi khi vào phòng thi, mỗi thí sinh là một đề thi, mã đề khác nhau, vậy nên sẽ phải học và thi thực chất buộc các em phải học thật. Nếu chỉ xét tốt nghiệp thì việc giảng dạy của các giáo viên tại trường phổ thông sẽ gặp khó khăn bởi học sinh trong quá trình học sẽ không tích cực và việc giảng dạy, đưa phương pháp cho học sinh sẽ khó khăn hơn", Đại biểu đoàn Hưng Yên giải thích.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo