Dịch COVID-19 ngày 19/4: Việt Nam không có ca mắc mới trong 72 giờ liên tiếp, tổng số ca tử vong tại châu Âu vượt ngưỡng 100.000
Hai ngày liên tiếp, Việt Nam vẫn dừng ở 268 ca mắc COVID-19 / Xe dù, bến cóc, cò mồi tấp nập đưa người rời Thủ đô
Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong 72 giờ
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến 6 giờ ngày 19/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, đánh dấu tròn 3 ngày, không có ca mắc mới, kể từ ngày 7/3 khi ca bệnh số 17 xuất hiện.
Trong số 268 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).
Trong ngày 18/4, ba bệnh nhân nước ngoài đã được công bố khỏi bệnh gồm: một bệnh nhân người Anh số 97 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, hai bệnh nhân số 151, 207 người Brazil tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, đưa số bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh tại Việt Nam lên 201 người.
Cả nước hiện còn 67/268 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở khám chữa bệnh bao gồm bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến, trong đó có ba bệnh nhân nặng, số còn lại đều có sức khỏe ổn định.
Tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Trường hợp nặng nhất là bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều tiến triển.
Thông tin từ các cơ sở khám chữa bệnh cho biết, đến sáng 19/4, đã có 14 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tổng số có 62.998 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 279 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.338 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 51.381 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tổng số ca tử vong tại châu Âu vượt ngưỡng 100.000
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), tính đến 1h00 ngày 19/4, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 100.000 người tại châu Âu, chiếm gần 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Số liệu trên được AFP tổng hợp từ số liệu do chính phủ các nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Cụ thể, với 100.501 ca tử vong trên tổng số 1.136.672 ca nhiễm SARS-CoV-2, châu Âu đã trở thành lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, căn bệnh đến nay đã khiến 157.163 người tử vong trên toàn cầu.
Số ca điều trị tích cực tại Italy tiếp tục giảm
Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu, nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 18/4 công bố nước này hiện có 25.007 ca nhập viện với các triệu chứng mắc COVID-19, trong đó số ca phải điều trị tích cực là 2.733, giảm 79 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên 175.925 trường hợp. Trong đó, tổng số ca tử vong là 23.227 trường hợp (tăng 482 ca) và số ca hồi phục là 44.927 ca (tăng 2.220 ca).
Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, cũng ghi nhận số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm, với 947 trường hợp (giảm 24 ca). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 65.381 người (tăng 1.246 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 12.050 ca (tăng 199 trường hợp) và số ca hồi phục là 42.342 trường hợp (tăng 1.629 ca).
Tây Ban Nha gia hạn phong tỏa đất nước đến ngày 9/5
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa trên tòa quốc đến ngày 9/5 tới, trong bối cảnh quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, nước này đã ghi nhận tới 191.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 20.043 ca tử vong.
Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 14/3 vừa qua. Theo quy định mới, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng một chút nhằm cho phép trẻ em có thời gian ra ngoài, bắt đầu từ ngày 27/4 tới.
Một quốc gia châu Âu khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 là Pháp ngày 18/4 đã ghi nhận thêm 642 ca tử vong tại các bệnh viện và các bệnh xá trong 24 giờ qua. Con số này thể hiện mức giảm mới trong tổng số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc tích cực.
Thông cáo của Bộ Y tế Pháp cho biết, các ca tử vong mới, trong đó có 364 ca tại bệnh viện và 278 ca tại các bệnh xá, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại nước này lên 19.323 người. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của nước này là 151.793, trong đó có 35.983 bệnh nhân bình phục và 5.833 đang trong tình trạng nguy kịch.
Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày
Bộ Y tế Nam Phi ngày 18/4 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 251 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 3.034 trường hợp. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi nước này thông báo trường hợp đầu tiên hôm 5/3.
Trong thông báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize dự báo số ca mắc COVID-19 tại nước nàytrong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với số người được xét nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, nước này đã tiến hành xét nghiệm cho 108.021 trường hợp với năng lực xét nghiệm trung bình khoảng 5.000 người/ngày.
Theo Bộ trưởng Mkhize, cho đến ngày 18/4, Nam Phi ghi nhận 50 ca tử vong do COVID-19, không tăng so với thời điểm 24 giờ trước đó. Ngoài ra, 903 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã hồi phục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Tết Âm lịch năm nay có rơi vào đợt rét đậm, rét hại? Thời tiết cụ thể dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ thế nào?
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam