Tin tức - Sự kiện

Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động ứng phó cao điểm xâm nhập mặn

DNVN - Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó, bảo vệ diện tích vườn trồng cây ăn trái, giảm mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát tại Đồng bằng sông Cửu Long? / Điểm sáng tăng trưởng ĐBSCL

Theo dự báo, từ 18/2, ĐBSCL sẽ bước vào đợt cao điểm xâm nhập mặn mùa khô. Mức độ xâm nhập mặn có thể sâu hơn cùng thời điểm năm trước.

Dựa trên cơ sở nguồn nước hiện tại và dự kiến thời gian giảm xả của các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, các chuyên gia dự báo ranh mặn 4g/l lớn nhất mùa khô năm nay trên sông Cửa Tiểu là 50 đến 55km, Cửa Đại từ 48 đến 53km, Hàm Luông 70 đến 73km, Cổ Chiên từ 62 đến 65 km, Sông Hậu từ 58 đến 60 km.

Đối phó với tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ diện tích lúa và vườn cây ăn trái. Thời điểm này, các địa phương trong vùng chủ động triển khai nhiều giải pháp chống xâm nhập mặn.


Các Cống ngăn mặn được đầu tư thời gian qua ở các tỉnh ĐBSCL

Các Cống ngăn mặn được đầu tư trong thời gian qua ở các tỉnh ĐBSCL.

Cống Vũng Liêm ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được đóng theo chu kỳ 2 ngày và mở xả 6 tiếng vào lúc triều thấp. Nhờ vận hành kịp thời, linh hoạt nên vùng sản xuất bên trong không bị ảnh hưởng. Hàng trăm ngàn ha vườn cây ăn trái gồm sầu riêng, bưởi… bảo đảm đủ nước ngọt tưới tiêu và tránh được mặn xâm nhập.

Đến giữa tháng 2/2023, ranh mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu 40 đến 45km trên sông Hậu. Phòng ngừa mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng đã cho đóng hết các cống theo sông Hậu. Đề phòng mặn xâm nhập bất ngờ tăng cao, tỉnh Tiền Giang đã triển khai 6 công trình ngăn mặn bảo đảm nước tưới cho hơn 40.000 ha cây trồng.

Liên quan đến các giải pháp chống xâm nhập mặn tại địa phương, Ông Lê Văn Đông- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư xây dựng 97 công trình cấp tỉnh và 499 công trình cấp huyện. Dư kiến trong năm 2023, tiếp tục đầu tư 28 công trình cấp tỉnh, 462 công trình cấp huyện. Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tập trung khẩn trương triển khai thực hiện công tác thủy lợi nội đồng năm 2023, để tích trữ nước và chuyển nước phục vụ sản xuất.

Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng đã thường xuyên theo dõi sát tình hình dự báo hạn mặn của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương. Qua đó, kịp thời phối hợp vận hành đóng, mở các cống đầu mối để tiếp nước ngọt và ngăn mặn, chống triều cường, phục vụ sản xuất của người dân.

“Đối phó với tình hình xâm nhập mặn, người dân cần tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ của ngành; thường xuyên cập nhật và theo dõi thông tin trên báo, đài và các cơ quan chuyên môn để chủ động tích nước phục vụ sản xuất. Riêng với vùng có kế hoạch bố trí sản xuất cần tập trung xuống giống dứt điểm trước ngày 30/12/2022 nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Còn với vùng không có kế hoạch bố trí sản xuất như huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải… cần tăng cường theo dõi, tuyệt đối không xuống giống, chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm khác phù hợp với điều kiện sản xuất. Trường hợp người dân vẫn tự phát xuống giống cần theo dõi để có giải pháp hỗ trợ kịp thời”, ông Đông khuyến cáo.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm