Tin tức - Sự kiện

Đong đầy cảm xúc lần đầu nhận giải thưởng báo chí

DNVN - Tuy chỉ là giải báo chí cấp địa phương nhưng đây thực sự là cột mốc đáng nhớ, đánh dấu cho hành trình nỗ lực cống hiến, sống với đam mê, là nguồn động viên tinh thần, “tiếp lửa” cho tôi vượt qua khó khăn tiếp tục gắn bó với nghề.

Báo chí tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy, cùng phát triển với doanh nghiệp / TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo

Đó là vào những ngày cuối năm 2021, khi tôi nhận được thông báo, tác phẩm “Ba mẹ ráng bắt hết con COVID rồi về với con nha!” của tôi và phóng viên Viên Hữu – Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, được chọn trao giải Cuộc thi viết “Bình Dương - Tuyến đầu chống dịch” - Giải báo chí do Báo Bình Dương phát động, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Sông Bé – Báo Bình Dương” (1/12/1976-1/12/2021).

Đong đầy cảm xúc khi lần đầu được nhận giải thưởng báo chí. (Ảnh: Báo Bình Dương)

Đong đầy cảm xúc khi lần đầu được nhận giải thưởng báo chí. (Ảnh: Báo Bình Dương)

Sau gần chục năm gắn bó với nghề, đây là lần đầu tiên tôi vinh dự được nhận giải thưởng báo chí, tuy chỉ là giải cấp địa phương. Trong tôi trào dâng niềm hạnh phúc.

Nhớ lại những ngày đầu chập chững vào nghề, giữa môi trường báo chí chuyên nghiệp với nhiều cây bút gạo cội. May mắn được tòa soạn và ban biên tập tạo điều kiện, được sự dìu dắt của các anh chị phóng viên đi trước, tôi dần tập làm quen và cứng cáp, trưởng thành lên từng ngày. Thêm vào đó là sự kèm cặp, chỉ bảo và “lửa nghề” từ ba tôi truyền lại. Cứ thế, tình yêu với nghề báo cứ lớn dần trong tôi.

Nhớ những đêm cùng đội tuyên truyền lưu động biểu diễn ở bán đảo xa xôi; nhớ những ngày rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng lên khắp các bản làng vùng sâu; nhớ những bữa cơm đạm bạc cùng anh chị em nghệ sĩ, cán bộ văn hoá; nhớ những hôm đi xem đấu võ đài và vô vàn những chuyến tác nghiệp ở miền quê hẻo lánh, những mảnh đời lam lũ… để chuyển tải vào bài viết với tất cả những hình ảnh và cảm xúc chân thực, sống động nhất mang đến cho độc giả.

Nhớ những đêm thức trắng để viết bài trong sự dõi theo và góp ý của ba. Sau này, khi tôi đi công tác xa, vẫn giữ thói quen gọi điện về khoe ba mỗi khi có bài đăng báo. Mỗi lúc như thế, ba tôi lại phấn khởi đi lùng sục khắp các sạp báo để mua về đọc cho khỏa lấp nỗi nhớ con. Đó là lý do vì sao, tuy ba chưa một lần nói nhớ thương, nhưng tận nơi sâu thẳm trái tim, tôi vẫn cảm nhận được tình cảm giản dị, mộc mạc của người cha dành cho con gái của mình nơi đất khách quê người.

Tôi trân trọng từng bài viết, mẩu tin, cả trên báo in lẫn báo điện tử. Hễ hôm nào có bài đăng là tôi lại ghé toà soạn hoặc sạp báo để mang về một tờ làm kỷ niệm. Đến bây giờ, số báo ấy vẫn dày thêm lên, chật cả một chiếc tủ cá nhân và tôi xem đó là “báu vật” của đời mình với tất cả niềm trân trọng và tự hào. Lâu lâu, tôi lại lục tìm những bài viết tâm đắc ra đọc và lấy đó làm động lực “tiếp lửa” trên con đường rong ruổi theo nghiệp cầm bút của mình.

Với tôi, có lẽ khoảng thời gian gắn bó với báo tỉnh chuỗi ngày đẹp đẽ, máu lửa và nhiệt huyết nhất với nghề. Đó là cả một khoảng trời thanh xuân dịu vợi, chứa chan niềm hạnh phúc và cả những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Sau gần hai năm gắn bó, vì nhiều lý do khách quan, tôi chuyển qua viết cho vài tờ báo khác. Tuy chỉn chu, trầm tĩnh hơn nhưng bỗng thiếu đi tính lăn xả. Điều ấy khiến tôi không khỏi dằn vặt, day dứt vì sao mình không thể sống trọn với đam mê? Phải chăng mình đã già và tình yêu với nghề đã dần cạn vơi, giữa muôn trùng bão giông?

Tuy chỉ là giải báo chí cấp địa phương nhưng đã tiếp lửa để tôi gắn bó với nghề.

Tuy chỉ là giải báo chí cấp địa phương nhưng đã tiếp lửa để tôi gắn bó với nghề.

Để rồi, khi cầm trên tay tấm giấy mời nhận Giải báo chí của Báo Bình Dương, trong tôi vỡ oà niềm hạnh phúc… Tôi chợt nhận ra, mình còn cảm thấy vui, hạnh phúc nghĩa là còn yêu, là “lửa nghề” vẫn âm ỉ như những mạch ngầm chảy mãi theo thời gian.

Trong giây phút đó, tôi chợt nhớ về ba - “Nhà báo làng” thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Hàng ngày, với bộ quần áo sơ vin chỉnh tề, cùng chiếc cặp da màu vàng đất, bên trong đựng tài liệu, bút, sổ ghi chép và tờ giấy giới thiệu được ép nhựa cẩn thận, trên chiếc xe đạp “đòn dong”, ba rong ruổi khắp các địa bàn, liên hệ công tác với các cơ quan, ban ngành để thu thập thông tin viết bài cho báo.

Lúc lên nhận giải, giữa những tràng pháo tay tán thưởng của bạn bè, đồng nghiệp, người thân, trong tôi vẫn cảm thấy trống trải và khao khát được nhìn thấy ba mỉm cười hiền từ, nhẹ nhàng vỗ vai: “Giỏi lắm con gái! Ba hãnh diện về con! Cảm ơn con đã viết tiếp ước mơ còn dang dở của đời ba…!”.

Ngước nhìn lên bầu trời mênh mông dịu vợi là vầng mây trắng bồng bềnh nhẹ trôi như ánh mắt ba đang trìu mến nhìn con mà lòng rưng rưng…

Cuộc thi viết “Bình Dương - Tuyến đầu chống dịch” là Giải báo chí do Báo Bình Dương phát động, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Sông Bé – Báo Bình Dương” (1/12/1976-1/12/2021); thu hút đông đảo nhà báo, phóng viên trên địa bàn tỉnh tham gia.

Đặc biệt, đây cũng chính là thời điểm quê hương Đất Thủ đang là tâm dịch. Do đó, mỗi người cầm bút cũng được xem là một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch. Bản thân tôi và phóng viên Viên Hữu – Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, đã có những trải nghiệm không thể nào quên khi “xông pha” nơi tuyến đầu chống dịch, tiếp cận nhân vật để thực hiện những bài viết sinh động. Điển hình là tác phẩm “Ba mẹ ráng bắt hết con COVID rồi về với con nha!”, góp phần chung tay cùng Bình Dương và cả nước đẩy lùi đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.


Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm