Tin tức - Sự kiện

Báo chí luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc

DNVN - Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), tối 21/6, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) diễn ra Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự.

Báo chí tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy, cùng phát triển với doanh nghiệp / Luật Báo chí cần đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn

Giải Báo chí Quốc gia là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng các tác phẩm báo chí xuất sắc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm.

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII – năm 2022 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Thay mặt Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII phát biểu khai mạc chương trình khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII – năm 2022.

Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng...

“Các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao vai trò, những thành tựu và sự đóng góp to lớn của báo chí trong gần một thế kỷ qua. Thành tựu của nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày hôm nay được xây dựng bằng trí tuệ, công sức và cả xương máu của biết bao thế hệ các nhà báo trong gần 1 thế kỷ", ông Minh nhấn mạnh.

Qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia luôn nhận được sự tham gia chủ động, tích cực của 18 liên chi hội và 35 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Số tác phẩm của các tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 169 tác phẩm. Số lượng tác phẩm gửi về dự giải tiếp tục đạt ở mức cao là 1.894 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp hội nhà báo trong cả nước.

Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo được tiến hành nghiêm túc theo hướng dẫn, điều lệ giải, khách quan, công tâm, hiện đại và chuyên nghiệp...

Trong số 157 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 8 giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích để trao giải.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả.

Đáng chú ý, 8 tác phẩm đoạt giải A bao gồm: loạt 4 bài “Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” (Liên chi hội Nhà báo báo Nhân Dân); tác phẩm “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, làm căn cứ để đánh giá và rà soát, sàng lọc cán bộ” (Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản); tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” (Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam); tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” (Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh).

Cùng với đó là tác phẩm “Ngày gặp lại” (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh); tác phẩm “Bẫy” (Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam); loạt 5 bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” (Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam) và tác phẩm “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” (Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh).

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm