Đồng Tháp quyết tâm ‘gọi’ sếu về, phục hồi sinh cảnh Vườn quốc gia Tràm Chim
Đồng Tháp: Bàn chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế / Nâng tầm thương hiệu xoài Đồng Tháp
“Ngày 13 - 14/12 tới, tại khu du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim (khóm 4 thị trấn Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 - 2032. Với sự tham dự của một số bộ, ngành, các chuyên gia, các viện, trường và hơn 200 phóng viên của 50 cơ quan báo - đài; tích hợp qua các kênh mạng xã hội: Facebook, Tiktok, Youtube…
Mô hình Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Đặc biệt dịp này, Đồng Tháp ra mắt biểu tượng cảm xúc “Bé Sếu” trên Zalo để tuyên truyền thường xuyên, liên tục các hoạt động”. Thông tin được ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết tại hội nghị giao ban báo chí chiều ngày 21/9.
Chi 185 tỷ “gọi" sếu về
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Sếu đầu đỏ là loài chim có tên trong Sách đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ. Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây sếu vẫn chưa quay lại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Tỉnh phê duyệt đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 - 2032, với kinh phí 185 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 10 năm, tập trung vào biện pháp nuôi và khi được thả ra sếu có thể tự sinh sản và tồn tại ngoài tự nhiên với hy vọng sếu luôn hiện diện tại vườn quốc gia, phục hồi hệ sinh thái; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái. Mục tiêu truyền thông, quảng bá và kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi sinh cảnh tự nhiên Vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, phát triển sếu cũng như các loài động vật khác.
Đường vào khu vực nuôi sếu.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, từ 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về Vườn quốc gia Tràm Chim. Giai đoạn này sẽ phục hồi hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim và dự kiến đến 2028 sẽ có 200 ha lúa sẽ chuyển sang sản xuất sinh thái tại vùng lân cận Vườn quốc gia Tràm Chim. Mục tiêu đề ra ở giai đoạn này là sếu có thể sinh sản và sống tốt.
Giai đoạn 2029 - 2032 tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận 30 cá thể sếu để gây nuôi và dự kiến sẽ sinh sản thêm khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Giai đoạn này, sẽ xây dựng biểu đồ phân bố sếu trong và ngoài Vườn quốc gia Tràm Chim; cán bộ kỹ thuật có thể tự chăm sóc sếu cho sinh sản và thả về tự nhiên; chuyển đổi vùng trồng lúa sinh thái đã thành sản xuất lúa hữu cơ; phát triển thủy sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái - hữu cơ.
Nói về kinh phí thực hiện đề án, TS Trần Triết - Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu quốc tế chia sẻ, con sếu được chúng tôi gọi cái tên khoa học là loài chỉ thị. Tức là nó chọn nơi nào nó sống thì có những yêu cầu rất đặc biệt nên khi nó sống được thì môi trường đó tốt.
“Để con sếu sống được phải có môi trường thích hợp, mà môi trường thích hợp đó có nghĩa là môi trường tốt, môi trường mà chúng ta muốn đạt được khi chúng ta bảo vệ hình mẫu của Đồng Tháp Mười, hai cái đó đi song song với nhau. Nhiều người không thấy được điểm đó, họ chỉ lấy 185 tỷ chia cho 100 con, thành hơn 1 tỷ đồng 1 con thì bảo là nhiều tiền quá. Nhưng mà giá trị hình mẫu của Đồng Tháp Mười được bảo vệ tốt đẹp mà con sếu sống được trên đó thì giá trị lớn hơn số tiền đó rất là nhiều”, TS Triết lý giải.
TS Trần Triết - Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu quốc tế chia sẻ các thông tin về ý nghĩa của đề án.
Theo TS Triết, trong buổi công bố đề án vào giữa tháng 12 tới, cặp sếu đầu tiên được đưa từ Thái Lan về Đồng Tháp bằng đường hàng không. Sau khi đưa về, sếu được nuôi trong chuồng để người dân tham quan.
Về quyết tâm phục hồi sinh cảnh tự nhiên Vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, phát triển sếu. Trước đó, trong buổi khảo sát tiến độ thực hiện công tác bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ, Vườn quốc gia Tràm Chim, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị lãnh đạo vườn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc tiếp nhận cá thể Sếu đầu đỏ để thực hiện các bước tiếp theo.
“Phải tham vấn ý kiến chuyên gia để có phương án cụ thể về vận chuyển, chăm sóc sếu tại vườn quốc gia; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm các điều kiện tổ chức lễ công bố. Đây cũng là thời điểm cần tăng cường truyền thông về công tác bảo tồn và phát triển, UBND tỉnh cần hoàn thiện các nội dung liên quan”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh.
Sếu "về" làm nên 3 câu chuyện
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim diện tích hơn 7.300 ha và được chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5, được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, nằm trong vùng trũng ngập sâu và được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đồng Tháp Mười.
Với mong muốn khôi phục quần thể sếu đầu đỏ, những tháng đầu năm nay tỉnh Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam về việc chuyển giao Sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát Sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Vườn quốc gia Tràm Chim với diện tích hơn 7.300ha là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới.
Chia sẻ các thông tin về ý nghĩa của đề án, TS Trần Triết nói, loài sếu gắn liền với hình ảnh của Vườn quốc gia Tràm Chim, gắn liền với hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp, rộng hơn thì nó là hình ảnh gắn bó với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho nên mang được loài sếu trở về vườn quốc gia thì đó là việc làm rất ý nghĩa về mặt tinh thần, đóng góp về mặt văn hoá.
“Việc phục hồi lại đàn sếu là đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, loài sếu là loài được ưu tiên bảo tồn của Việt Nam và thế giới trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Thể hiện cam kết của Việt Nam khi ký vào công ước về đa dạng sinh học”, TS Triết nhấn mạnh.
Theo TS Triết, hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim là hình mẫu cuối cùng còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, là vùng rất rộng lớn với diện tích hơn 7.300ha, được gọi là hình mẫu tiêu biểu của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười nên giá trị rất lớn, mang tầm quốc tế. Đó là lý do vì sao mà Tràm Chim được chọn là vùng ngập nước quan trọng trên thế giới.
Hiện nay, huyện Tam Nông đã bắt đầu khởi động chương trình phát triển lúa sinh thái, chưa nói tới lúa hữu cơ vì yêu cầu của lúa hữu có những yêu cầu khó đạt được nhưng mà chúng ta đang nói đến lúa sinh thái nông nghiệp xanh - nông dân giảm bớt sử dụng những hóa chất độc hại. Chương trình sếu đóng góp vào việc phát triển một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, nền nông nghiệp xanh - sạch - không gây hại. Nông nghiệp cung cấp thực phẩm nuôi con người như vậy không gây hại cho đa dạng sinh học và nông dân.
“Qua trao đổi với một số lãnh đạo của tỉnh Đồng Tháp, thì đó là định hướng phát triển mà tỉnh đang trên đường thực hiện. Hai công việc vô tình cộng hưởng với nhau, muốn thả sếu ra môi trường thì đáp ứng môi trường trong sạch. Đồng thời, địa phương cũng muốn phát triển một nền nông nghiệp xanh - sạch. Như vậy, chương trình sếu này làm 3 chuyện: bảo tồn loài nguy cấp; bảo tồn hệ sinh thái Đồng Tháp Mười; đồng hành phát triển nông nghiệp xanh Đồng Tháp”, TS Triết nói về hiệu quả của đề án.
Đồng quan điểm với TS Triết, bà Lê Nhật Thùy - Phó Tổng giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, đơn vị hợp tác bảo tồn sếu và phát triển nông nghiệp với Đồng Tháp cho biết, ghi nhận thực tế cho thấy, Thái Lan rất thành công với đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ.
“Với Sếu đầu đỏ, nông dân có thể phát triển sinh kế bền vững dựa trên nông nghiệp hữu cơ, kết hợp làm du lịch. Đây là mô hình có thể áp dụng tại Đồng Tháp”, bà Thùy nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao