Hai dự án nông nghiệp trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ
Người tiêu dùng Thái Lan thêm cơ hội mua hàng Việt Nam chất lượng cao / Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021
Dự án phát triển thủy sản bền vững được Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (World Bank) phối hợp triển khai từ năm 2019.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây có thể xem là một trong những dự án giúp Việt Nam thoát khỏi thẻ vàng IUU (Khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Dự tính dự án thực hiện trong 6 năm (2021 - 2026), với tổng mức đầu tư 8.359 tỷ đồng, tương đương 363 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 6.605 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước là 1.616 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) là 138 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng cao năng lực quản lý và giá trị gia tăng sản phẩm thuỷ sản, hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT còn hợp tác với Ngân hàng Thế giới để nâng cao hệ thống, cơ sở hạ tầng quản lý an toàn thực phẩm. Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn là một trong những vấn đề được Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đặc biệt quan tâm.
Theo đó, dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam nhằm giảm thiểu nguy cơ an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị. Dự án được khởi động từ tháng 4/2021 và thực hiện trong phạm vi 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thanh Hóa, TP.HCM, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp với thời gian dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027.
Tổng vốn dự kiến của dự án là 202,34 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi là 164,4 triệu USD, chiếm 81% tổng nguồn vốn. Vốn không hoàn lại dự kiến là 6 triệu USD từ nguồn JDF, Chính phủ Newzealand và IFC, sẽ do Bộ NN-PTNT quản lý, chiếm 3% tổng nguồn vốn. Vốn đối ứng trong nước là 32 triệu USD, chiếm 16% tổng nguồn vốn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với đại diện WB về tiến độ 2 dự án nông nghiệp trong điểm.
Tại cuộc họp với đại diện ngân hàng thế giới (WB), ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ để lập báo cáo tiền khả thi cho dự án phát triển thủy sản bền vững. Với hợp phần của Bộ NN-PTNT, đơn vị tư vấn đã được chốt. Dự kiến, Bộ sẽ trình Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 30/9.
Do bị chậm hơn dự kiến, Bộ NN-PTNT đã gấp rút đưa nhiều giải pháp cho dự án. Vào tuần sau, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến sẽ họp với 5 tỉnh, thành phố liên quan để thảo luận, tháo gỡ khó khăn, đồng thời rút ngắn trình tự thủ tục, nhất là công tác đấu thầu.
Với dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn, ông Hiến cho rằng Bộ NN-PTNT đã sớm hoàn thành hợp phần của mình trong vòng 30 ngày. Vào hôm 14/6, Bộ đã ký quyết định gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính.
"Chúng tôi cam kết đẩy nhanh tiến độ hết mức có thể", ông Lê Văn Hiến nhấn mạnh.
Thay mặt Ngân hàng Thế giới, ông Ahmed Eiweida, Trưởng Ban phát triển bền vững tại Việt Nam, Điều phối viên toàn cầu về di sản văn hoá và du lịch bền vững, ghi nhận sự quyết liệt của Bộ NN-PTNT trong việc triển khai hai dự án.
"Các buổi thảo luận đã diễn ra thẳng thắn, thể hiện cam kết hợp tác lâu dài từ phía Bộ NN-PTNT. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Bộ NN-PTNT ở mọi dự án mà Ngân hàng Thế giới tham gia", ông nói.
Ông Eiweida cũng đề nghị Bộ NN-PTNT thể hiện cam kết bằng văn bản hoặc email, trong đó nói rõ các bước đã hoàn thành, và những dự định sắp tới.
Bà Nguyễn Thu Lan, Chuyên gia cao cấp về kinh tế môi trường của Ngân hàng Thế giới, đồng thuận với ý kiến của Bộ NN-PTNT. Bà nói thêm, rằng đầu tư vào nông nghiệp là việc cấp bách, nhưng cần chiến lược dài hơi và quyết tâm lớn từ các bên.
Ghi nhận ý kiến của Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhất trí sẽ gửi văn bản cho các bộ, ban, ngành liên quan.
Thứ trưởng kết luận: "Một bên chậm sẽ kéo theo tất cả cùng chậm. Giờ là lúc chúng ta đã ngồi chung một chiếc thuyền. Chúng ta cần quy trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị. Nếu có thể, chúng ta cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị".
End of content
Không có tin nào tiếp theo