Đà Nẵng: Không thể để lĩnh vực dịch vụ cứ bật/tắt theo mỗi lần phát sinh ca Covid-19 trong cộng đồng
Đà Nẵng: Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo / Đà Nẵng: Từ 19/6, triển khai phương án phân luồng mới để thi công cụm nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý
Tăng trưởng không cao như kỳ vọng
Qua các số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định kinh tế TP đang dần khôi phục. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 52.857 tỷ đồng, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,05% so với 6 tháng đầu năm 2019. “Kinh tế TP Đà Nẵng đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020” – Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Nam Trung nói.
Cứ mỗi lần phát sinh ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng là hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu ở Đà Nẵng phải đóng cửa...
Trong đó, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, từ kinh nghiệm từng trải qua trong 2 đợt dịch trước, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đã tự tin và chủ động hơn rất nhiều, tâm thế ứng phó linh hoạt của các KCN và đặc biệt là ý thức chấp hành các biện pháp phòng dịch của hầu hết người lao động trong các KCN đã giúp cho hoạt động sản xuất được duy trì và phục hồi ổn định.
Công nghiệp chế biến, chế tạo sau đà sụt giảm nghiêm trọng năm 2020 (6 tháng đầu năm giảm 7,89%; 6 tháng cuối năm giảm 15,76%) đã có dấu hiệu phục hồi và tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2021 ở mức 1,96%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Có 21/24 ngành công nghiệp cấp hai của lĩnh vực chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng dương (cùng kỳ năm 2020 chỉ có 9/24 ngành cấp 2 của lĩnh vực này tăng trưởng dương).
Ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp công nghiệp nhưng Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Nam Trung cũng nêu rõ, trong mức tăng 2,85% của cả khu vực công nghiệp và xây dựng thì ngành công nghiệp tăng 2,79%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đây là mức tăng không cao như kỳ vọng.
Khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính góp phần vực dậy nền kinh tế
Ngược lại, ông Trần Nam Trug nêu rõ: “Điểm sáng của kinh tế TP Đà Nẵng trong 6 tháng qua là khu vực dịch vụ. Nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và linh hoạt, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,34%, tỷ trọng đóng góp lên đến 85,4%, khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính góp phần vực dậy tăng trưởng của cả nền kinh tế TP Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021”.
Trong khu vực dịch vụ, ngành du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành thương mại tăng 8,62%, với tỷ trọng đóng góp 23,6% vào mức tăng chung và là ngành có mức đóng góp cao nhất trong khu vực dịch vụ. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,45%, đóng góp 11,6%; kinh doanh bất động sản tăng 8,69%; đóng góp 11,6%; vận tải, kho bãi tăng 4,67%, đóng góp 9,7%; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 3,81%, đóng góp 10,7%; y tế và trợ giúp xã hội tăng 20,40%, đóng góp 8,4% vào mức tăng chung.
Ông Trần Nam Trung phác họa bức tranh tổng thể về mức tăng của toàn nền kinh tế trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2021: Khu vực dịch vụ là bệ đỡ chính, ước tăng 5,34%, đóng góp 3,51 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đang dần lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 2,85%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm; thuế sản phẩm sau mức giảm mạnh 6 tháng cuối năm 2020 đã có dấu hiệu tăng khá trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 7,99%, đóng góp 0,88 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,08% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2019 - 2020 lần lượt là: Dịch vụ 64,09% - 65,80%; Công nghiệp và xây dựng 22,27% - 21,06%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 11,54%; 10,73%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,10% - 2,40%. Đối với 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt là: Dịch vụ 66,01%; Công nghiệp và xây dựng 20,62%; Thuế sản phẩm 11,00%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,37%.
“Nhìn chung cơ cấu nền kinh tế TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm giai đoạn 2019 - 2021 có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực, với xu hướng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục thu hẹp tỷ trọng; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng mở rộng!” – Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Nam Trung nói.
khiến việc cung ứng dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và ảnh hưởng chung nên sự phát triển của nền kinh tế TP
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Liên- Trưởng phòng Thống kê tổng hợp Cục Thống kê Đà Nẵng, mặc dù kinh tế đã được phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn khá chậm, xếp cuối cùng trong các TP lớn. Cụ thể, Hải Phòng tăng 13,52%; Hà Nội tăng 5,91%; Cần Thơ tăng 5,61%; TP.HCM tăng 5,46% và Đà Nẵng 4,99%.
Trong 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, quy mô nền kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục dẫn đầu, ước đạt 52.857 tỷ đồng theo giá hiện hành; tiếp đó là Quảng Nam 51.973 tỉ đồng, Bình Định 44.730 tỉ đồng, Quảng Ngãi tương đương 42.289 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế khoảng 27.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng GRDP nửa đầu năm 2021 chỉ 4,99%, Đà Nẵng cũng chỉ xếp thứ 4 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sau Quảng Nam (tăng 11,72%), Bình Định (tăng 6,14%), Thừa Thiên Huế (tăng 5,64%) và chỉ cao hơn Quảng Ngãi (tăng 4,03%).
Bà Nguyễn Thị Kiều Liên khuyến cáo, tuy quy mô nền kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng vị thế này đã khá mong manh và có thể sớm bị các địa phương khác trong Vùng vượt qua nếu không nhanh chóng cải thiện tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2021.
Đặc biệt, mức tăng GRDP 4,99% của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 là số liệu Tổng cục Thống kê ước tính tại thời điểm 31/5 và chưa đánh giá được tác động của chuỗi lây nhiễm dịch Covid-19 liên quan Công ty nhựa Duy Tân từ ngày 18/6 đến nay. Nếu tính cả tác động bất lợi này thì nhiều khả năng mức tăng GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ còn thấp hơn.
Phòng chống dịch linh hoạt và hiệu quả
Nhìn trên bình diện chung cả nước, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Nam Trung cho hay, lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn vốn được coi là "hệ đệm, giá đỡ" cho nền kinh tế cả nước, song những tín hiệu thị trường hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, cho thấy ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Lĩnh vực sản xuất cũng gặp trở ngại không kém, nhiều KCN xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 phải tạm ngừng hoạt động, nhiều dây chuyền sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều chậm lại, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng và mua nguyên vật liệu; chi phí đầu vào tiếp tục tăng làm giá bán hàng tăng mạnh…
Không nằm ngoài bối cảnh chung đó nhưng rõ ràng đáng mừng cho Đà Nẵng là có lĩnh vực dịch vụ làm trụ đỡ chính vực dậy tăng trưởng cả nền kinh tế TP trong 6 tháng đầu năm 2021. Chính vì vai trò quan trọng đó của dịch vụ nên đòi hỏi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính quyền TP cần tiếp tục linh hoạt và hiệu quả hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2021.
Muốn vậy, chính quyền TP cần có kế sách ứng phó dịch Covid-19 chủ động và có tính thích nghi cao hơn nữa để đạt mục tiêu kép ổn định đời sống xã hội, sớm lấy lại trạng thái bình thường mới. Không thể tiếp tục để lĩnh vực dịch vụ của TP cứ bị bật/tắt theo mỗi lần có ca bệnh phát sinh trong cộng đồng. Không bảo vệ được cho “trụ đỡ, bệ phóng” này vận hành thông suốt thì GRDP năm 2021 của Đà Nẵng khó mà đạt mức tăng 5,5 – 6% như dự kiến, chưa nói là còn có nguy cơ tụt hậu thêm nữa so với các địa phương bạn!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ