Khẩn trương xây dựng cơ chế thích ứng thuế tối thiểu toàn cầu
Những điểm mới của liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 / Tăng cường chủ động phòng chống bệnh dại ở người
Sự cần thiết của thuế tối thiểu toàn cầu
"Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" dự kiến sẽ được thực thi từ năm sau. Đây là thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, với mức thuế tối thiểu thống nhất là mức 15%, đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn.
Do vậy, tới đây ưu đãi thuế sẽ không hoàn toàn là lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Với những quốc gia, trong đó có Việt Nam, ưu đãi thuế thấp, hấp dẫn hơn mức 15% thì sẽ phải điều chỉnh ra sao, chiến lược thu hút vốn FDI phải thay đổi như thế nào?
Thuế tối thiểu toàn cầu do tổ chức các nước phát triển (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Giả sử một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, họ đang nộp thuế thu nhập khoảng 12%, mức chênh lệch 3% còn lại họ sẽ phải nộp về quốc gia nơi có trụ sở chính - Hàn Quốc. Các tổ chức, quốc gia trên thế giới đang khẩn trương xây dựng chính sách để thích ứng với thuế này.
Đầu tháng 2, OECD vừa công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật. Dự kiến cải cách trên sẽ giúp tạo ra thêm 220 tỷ USD thu nhập thuế trên toàn cầu.
Dự kiến sẽ có thêm 220 tỷ USD thu nhập thuế trên toàn cầu.
Trước đó, tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí mức thuế tối thiểu này trong toàn khối. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.
"Thuế này ra đời nhằm 2 mục tiêu: Thứ nhất, hạn chế cuộc đua xuống đấy đối với ưu đãi về thuế, nhất là với các nước đang phát triển; Thứ hai, để tận dụng nguồn thu thuế, đặc biệt là giảm hiện tượng trốn thuế, chuyển giá", ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhận định.
Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: Ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn... Theo tính toán, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%.
Việt Nam cần sớm nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu
Thuế tổi thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng.
Thế nhưng Việt Nam cũng không thể đứng ngoài dòng chảy toàn cầu. Thời gian áp dụng mức thuế này đã cận kề, chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu, và triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa, để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.
"Nếu Việt Nam không áp dụng, các công ty này vẫn sẽ bị đánh thuế bổ sung ở đất nước khác nơi mà họ đang hoạt động, tức khoản thuế đó không về Việt Nam mà sang nước khác. Câu chuyện giống như một phần bánh ngọt mà các bạn mất đi và người khác sẽ ăn nó vậy", ông Thomas McClelland - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam đánh giá.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết: "Rõ ràng là họ vẫn phải nộp mà chúng ta lại mất đi phần đó. Thứ hai, chúng ta lại không theo kịp xu hướng hội nhập cuộc chơi toàn cầu. Thứ ba, chúng ta lại đánh mất đi cơ hội cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng tôi kiến nghị nên áp dụng càng sớm càng tốt".
Cũng cần phải lưu ý thêm nguyên tắc: Khi doanh nghiệp đóng thuế tối thiểu 15%, quốc gia đó không được trả quyền lợi hay bất cứ hình thức hỗ trợ nào ngược lại và tương xứng cho các doanh nghiệp đó. Khi ưu đãi thuế không còn là lợi thế, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đa dạng các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài
Hàn Quốc là một trong những đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với gần 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD. Các doanh nghiệp kì vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có thêm cơ chế ưu đãi gắn liền với các khoản trợ cấp ngoài thuế.
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) nói: "Ở một số nước khác, chế độ ưu đãi với các ngành công nghệ cao, người ta còn chiết khấu lại 50% tổng số mức đầu tư về cơ sở vật chất của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian hoạt động của họ. Điều đó là một trong những chế độ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, khi họ đầu tư hàng tỷ đô la thiết bị máy móc ở đây".
Các doanh nghiệp kì vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có thêm cơ chế ưu đãi gắn liền với các khoản trợ cấp ngoài thuế. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam nội luật hoá thuế tối thiểu toàn cầu sẽ dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó.
"Rõ ràng tiền đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta được hưởng lợi, họ mua công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ thuật. Chính sự tham gia đó sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn, giá thành rẻ hơn, giao hàng kịp thời hơn. Rõ ràng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài họ cũng được hưởng lợi", ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết.
Ngoài ra, đòi hỏi về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ lớn hơn bao giờ hết. Hàng năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 và bây giờ là một phần của Nghị quyết 01. Trong đó, đưa ra nhiều chương trình cải cách thể chế như cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Các chuyên gia đề nghị, quá trình thực hiện cần quyết liệt hơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn tất việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023. Trước đó, ngày 4/8/2022, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt, để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan. Các nước ASEAN như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan... cũng đã có động thái thay đổi chính sách thuế, các giải pháp duy trì ưu đãi
Giống như chúng ta đi đường, đường nào rộng rãi, thông thoáng hơn sẽ được lựa chọn. Trên đường đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc chúng ta cần làm là trải phẳng những ổ gà, những khúc cua, chính là những khó khăn về thủ tục, điều kiện kinh doanh, để các doanh nghiệp tăng tốc, phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi