Không để khan hàng, sốt giá dịp Tết 2023
Đà Nẵng: Triển lãm 40 tác phẩm mỹ thuật để chọn trao giải thưởng năm 2022 / Hoa hậu H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2023
Những ngày này, các DN, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, TP đang đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân.
Hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2023 tại MM Mega Market dồi dào, phong phú. Ảnh: Ánh Ngọc
Theo khảo sát của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm, dầu ăn… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm phổ biến dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối cũng đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá cả không có biến động lớn.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong ngày 7/12 cho thấy, tại siêu thị Co.op mart Hà Đông (TP Hà Nội), lượng hàng hóa rất dồi dào, lúc nào cũng trong trạng thái “full” kệ hàng. Trước đó, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường tần suất giao hàng, đồng thời huy động nhân viên làm việc tối đa nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường, đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Giám đốc khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Lê Văn Liêm thông tin, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, Co.opmart tăng lượng dự trữ lên 30 - 50%, tùy nhóm hàng. Lượng hàng bình ổn giá của hệ thống Co.opmart chiếm khoảng 25 - 30%. Riêng thị trường Hà Nội và miền Bắc, hiện Co.opmart có hơn 50 điểm bán hàng hóa bình ổn.
Giỏ quà Tết đã tràn ngập tại các kệ hàng của siêu thị Tops Market Hà Đông. Ảnh: Ánh Ngọc
Còn tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, từ đầu quý IV, đơn vị đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20 - 40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam Trần Kim Nga chia sẻ: “Hiện các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM Mega Market tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.000 tỷ đồng. Đơn vị đã tăng lượng hàng dự trữ tùy từng nhóm hàng tối thiểu từ 200% trở lên để phục vụ cho dịp cao điểm mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023”.
Siết kiểm soát thị trường, ổn định giá cả
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thực hiện chỉ đạo của TP, Sở đã có văn bản yêu cầu DN, cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn theo kế hoạch và tăng thêm tối thiểu ít nhất 30%.
Cùng với đó, các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ Nhân dân.
Đông đảo người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C/Go Thăng Long. Ảnh: Ánh Ngọc
Bên cạnh đó, DN, nhãn hàng sẽ triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ Nhân dân trên địa bàn như: Tổ chức điểm bán hàng, chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; các chợ hoa xuân phục vụ Tết; các sự kiện thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng đang tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.
Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá... lực lượng quản lý thị trường tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.
Tổng cục cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là một số mặt hàng trọng điểm. Đồng thời, kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết. Đây được coi là những giải pháp trọng tâm đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn; đồng thời phối hợp chặt chẽ các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của Nhân dân Thủ đô -Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái