M&A 2022: Kích hoạt những cơ hội mới cho Việt Nam
Doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động / Dự báo thời tiết ngày 24/11/2022: Hà Nội có mưa rào, trời lạnh
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo có thể đạt 8%, bất chấp những bất ổn của kinh tế toàn cầu. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy vào một cách tích cực,giải ngân vốn đầu tưnước ngoài trong 9 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 15,4 tỷ USD.
Hoạt động M&A đã phục hồi tích cực trên phạm vi toàn cầu. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD, đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc trong thời gian tới. Vậy đâu là cơ hội cho thị trường Việt Nam? Chúng ta cùng nhìn lại các con số đáng chú ý của thị trường M&A trong nước năm qua.
Giá trị các thương vụ M&A 2022
Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, thị trường M&A của Việt Nam năm nay cũng có sự trầm lắng hơn so với sự sôi động của 2 năm trước. Theo dữ liệu từ KPMG, 10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ Usd, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu các giao dịch đến từ Singapore, Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục dẫn dắt các giao dịch với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các lĩnh vực chính thu hút đầu tư là: tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp và năng lượng.
Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường sẽ sớm sôi động trở lại. Và đây được cho là thời điểm để cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn!
Cơ hội M&A cho doanh nghiệp trong thời kỳ nhiều biến động
Theo đại diện của KPMG sự giảm tốc trong năm nay là do tâm lý e dè của các nhà đầu tư. Bởi với điều kiện thị trường toàn cầu nhiều biến động, cả bên mua và bán đều rất thận trọng với quyết định của mình. Tuy nhiên, dự báo sẽ có những thương vụ lớn trong năm 2023 trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, nhận định: "Năm sau sẽ là năm quan trọng khi thị trường sẽ chứng kiến nhiều thương vụ giá trị lớn. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm sau. Khi xu hướng này tiếp tục,chuyển đổi số, chuyển sang năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng rộng lớn và nhận thức về phát triển bền vững ngày càng tăng sẽ tiếp tục là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam".
Đại diện KPMG cho biết, thị trường hiện tại đang đưa ra mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với năm 2021 và đầu năm 2022, và sẽ còn hấp dẫn hơn nữa vào năm 2023. Đối với các quỹ đầu tư tư nhân, đây sẽ là thời điểm thuận lợi để chọn đúng công ty có hoạt động hiệu quả hoặc có mục tiêu phù hợp để mua lại.
Như các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, dự kiến sẽ tăng các giao dịch vào năm 2023. Họ đang hướng tới các giao dịch trong ngành thực phẩm, công nghệ thông tin, bán lẻ, tài chính tiêu dùng, start-up…
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam, cho biết: "Các công ty Nhật bản đang tích lũy nhiều ngoại tệ, dự trữ tiền mặt lên tới hàng tỷ USD. Việt Nam có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh, nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Nhiều công ty Nhật tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Việt Nam. Nhóm nhà đầu tư này đang tìm kiếm và nghiên cứu thị trường, và sau năm 2023 tôi tin rằng các nhà đầu tư Nhật sẽ đến với Việt Nam ngày một nhiều hơn".
Bên cạnh dòng vốn ngoại, dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước đã và đang tham gia vào hoạt động M&A ngày càng nhiều hơn. Năm 2022, các giao dịch M&A thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital, đánh giá: "Hiện đầu tư ở Việt Nam khá đa dạng. Có những giao dịch giữa các công ty Việt Nam với công ty Việt Nam. Đây là xu hướng tuyệt vời. Bởi vì cùng là người Việt thì hiểu nhau hơn, giao dịch sẽ dễ hơn, chi phí cho rủi ro trong các giao dịch mua bán, sáp nhập giữa Việt Nam và Việt Nam sẽ thấp hơn. Giai đoạn hội nhập sau sáp nhập cũng sẽ đơn giản hơn nhiều".
Trước đây, thị trường M&A nổi lên với các thương vụ bán lẻ, tiêu dùng nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian tới xu hướng sẽ dịch chuyển sang các lĩnh vực như viễn thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục năng lực, dịch vụ dân sinh…
Kích hoạt những cơ hội mới và các thách thức cho Việt Nam
Những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về phát triển bền vững tại hội nghị COP26 và được tái khẳng định tại COP27 mới đây... Đã tạo sự chú ý đặc biệt với cộng đồng đầu tư... Theo các chuyên gia, phát triển bền vững chú trọng các yếu tố ESG, và chuyển đổi số chính là những yếu tố kích hoạt cho làn sóng M&A trong những năm tiếp theo.
Theo đại diện công ty tư vấn thương vụ Asart, các yếu tố phát triển bền vững chiếm đến 50-60% trong các quyết định đầu tư của các quỹ đầu tư tại thời điểm hiện nay.
Bà Bình Lê Vandekerckove, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc, Công ty Tư vấn Thương vụ ASART, nói: "Đây là ngọn lửa sẽ thúc đẩy M&A và kinh tế Việt Nam và từ đó đem tới niềm tin cho các nhà đầu tư. Họ tin vào Việt Nam hơn, Việt Nam ổn định hơn có nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Dòng vốn của họ vào rủi ro của họ sẽ giảm thiểu, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng".
Ngoài ra, yếu tố kích hoạt M&A năm 2023 là làn sóng chuyển đổi số. Rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đang quan tâm đến start-up cung cấp các giải pháp sáng tạo.
Ông Masataka Sam Yoshida cho biết thêm: "Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong thị trường M&A ngày nay. Khi nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng, chúng tôi dự báo, sẽ có nhiều cơ hội M&A hơn trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ đám mây, bảo mật công nghệ thông tin và các công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng khác".
Cơ hội mới thì nhiều, tuy nhiên cũng kèm theo đó là những thách thức. Thị trường M&A có sự chậm lại trong 2 năm qua do nhà đầu tư thận trọng hơn và mất nhiều thời gian hơn để thực hiện trước những biến động kinh tế toàn cầu.
Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải gia tăng sự hiện diện, tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp của mình.
Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết: "Sự chuẩn bị liên quan đến minh bạch thông tin, sự kiểm soát của dòng tiền, cũng như những quản trị của doanh nghiệp mà có thể tạo ra sự tin tưởng cho các nhà đầu tư thì sẽ hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp có thể đón nhận được cái nguồn đầu tư".
Bên cạnh đó, để cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, và từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, xây dựng bản cáo bạch bằng tiếng Anh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận và tìm hiểu...
Trong thông điệp gửi đến cộng đồng nhà đầu tư tại diễn đàn M&A, đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, đồng thời chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm vận động, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam… Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo