Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất, gửi tiền ở đâu nhận lãi cao nhất?

Lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đồng loạt tăng. Không chỉ nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, các "ông lớn" quốc doanh cũng đã tham gia vào cuộc đua này.

Sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số / Những điểm mới trong chính sách về nhà ở, bất động sản có hiệu lực trong tháng 8/2022

Tăng lãi suất lâu nay vẫn được coi là cuộc đua của các ngân hàng tư nhân, còn 4 ngân hàng TMCP Nhà nước (Big 4) thường đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, tình thế đã đảo ngược khi mới đây, "cuộc đua" này có sự tham gia của một số cái tên trong Big 4.

Ngân hàng lớn cũng mạnh tay nâng lãi suất

Vietcombank, sau một năm "kìm nén" thì mới đây đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Với hình thức gửi tại quầy, ngân hàng này đã tăng 0,1% lãi suất ở hầu hết kỳ hạn còn hình thức gửi online tăng 0,2%. Mức lãi suất cao nhất hiện nay tại ngân hàng này là 5,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng gửi online.

Như vậy, với lần điều chỉnh này, lãi suất huy động tại Vietcombank đã lên mức tương đương với 3 ngân hàng quốc doanh còn lại. Trước đó, BIDV và Agribank cũng có bước điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài. Lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng này hiện áp dụng ở mức 5,6%/năm.

Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất, gửi tiền ở đâu nhận lãi cao nhất? - Ảnh 1.

Các ngân hàng quốc doanh cũng nhập cuộc tăng lãi suất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Mặc dù đã có điều chỉnh tăng, mức lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn này vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.

Kể từ đầu năm tới nay, "sóng" tăng lãi suất liên tục được ghi nhận. Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận xét lãi suất tiền gửi thực tế đã tăng trở lại kể từ tháng 5.

TPBank, sau thời gian dài đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất cũng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2% ở hầu hết kỳ hạn. Lãi suất cao nhất dành cho các khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng này là 6,2%/năm.

Còn HDBank tăng mạnh lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng từ mức 5,95%/năm lên 7,1%/năm. Tương tự với kỳ hạn 13 tháng, từ 6,1% lên 7,15%.

Eximbank cũng có bước tăng mạnh khi lãi suất thêm 1% lên mức 6,5% cho kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng được điều chỉnh tăng 0,5% lên mức kịch trần 4%/năm.

 

ACB cũng là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh nhất trong 2 tháng vừa rồi. Tại quầy, nhà băng này tăng 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 9 tháng, tăng 0,6%/năm cho kỳ 3 và 12 tháng, tăng 0,8%/năm đối với kỳ 6 tháng. Với khách hàng giao dịch online, lãi suất tiết kiệm được nâng 0,3 điểm phần trăm cho kỳ 6 và 12 tháng, tăng thêm 0,5%/năm cho kỳ 9 tháng.

Khảo sát lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng cho thấy phạm vi lãi suất tiền gửi tại quầy đang dao động từ 5,5% đến 7,3%/năm. Còn với tiền gửi online, mức lãi suất dao động từ 5,3% đến 7,3%.

Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất, gửi tiền ở đâu nhận lãi cao nhất? - Ảnh 2.

Lãi suất tiền gửi 12 tháng tại một số ngân hàng (Đơn vị: %/năm)

Hiện "quán quân" về lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại quầy và online vẫn là SCB, với 7,3%/năm. Với các kỳ hạn gửi 18 tháng trở lên, lãi suất tiền gửi tại SCB lên đến 7,55%/năm.

"Vũ khí bí mật" của ngân hàng suy giảm, tiền gửi khách hàng có kỳ hạn tăng

Làn sóng miễn phí giao dịch hồi cuối năm 2021 với sự tham gia của Big 4 đã tạo ra cạnh tranh thu hút tiền gửi không kỳ hạn cho toàn ngành ngân hàng quý đầu năm nay. Với các ngân hàng, việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn tạo ra nguồn vốn giá rẻ.

 

Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất, gửi tiền ở đâu nhận lãi cao nhất? - Ảnh 3.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các hầu hết ngân hàng đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thời điểm hết quý I, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các hầu hết ngân hàng đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, làn sóng tăng lãi suất hơn 2 tháng trở lại đây dường như lại "kìm chân" cuộc đua này.

Báo cáo tài chính quý II của nhiều ngân hàng sớm công bố cho thấy CASA có xu hướng giảm.

Techcombank - nhà băng dẫn đầu miễn phí giao dịch đã nhiều năm hái "trái ngọt" nhờ chính sách này - ghi nhận CASA quý II là 47,5%, giảm so với mức 50,5% hồi đầu năm dù quý I trước đó vẫn tăng tích cực.

Các nhà băng khác ghi nhận CASA đến hết ngày 30/6 giảm so với hồi đầu năm gồm TPBank, VPBank, MB, VIB, Sacombank, LienVietPostBank, PGBank, ACB. Một số ngân hàng khác có CASA tăng song mức tăng thấp hoặc gần như đi ngang là Vietcombank, ABBank, Bac A Bank, VietinBank.

 

Tuy nhiên, tiền gửi khách hàng có kỳ hạn lại tăng mạnh. Đến hết quý II, trong nhóm nhà băng công bố báo cáo tài chính, 3 đơn vị ghi nhận tiền gửi có kỳ hạn tăng "khủng" nhất là VPBank (27%), tại TPBank (19,5%), VIB (16,82%).

Các ngân hàng MB, Vietcombank, Techcombank, ABBank, Bac A Bank, Sacombank, LienVietPostBank, MSB, ACB, Eximbank, VietinBank, OCB cũng ghi nhận tăng trưởng dương ở khoản mục này. Hiện chỉ có 2 ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng có kỳ hạn giảm là NCB giảm 4,06% và PGBank giảm 1,04%.

Còn theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5 năm nay có gần 11,4 triệu tỷ đồng được các tổ chức kinh tế và dân cư gửi tại ngân hàng. Theo đó, tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,569 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt khoảng 5,806 triệu tỷ đồng, tăng 2,86%.

T.S Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định việc lãi suất tiền gửi tăng là nguyên nhân chính khiến tiền gửi vào ngân hàng ngày càng tăng.

Dù vậy, ông lưu ý thêm xu hướng đổ về kênh tiền gửi ngân hàng cũng diễn ra trong bối cảnh các kênh đầu tư "nóng" trước đó dần hạ nhiệt. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong quý II, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng, giảm 20,02% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Kênh trái phiếu cũng bị ảnh sau nhiều động thái vĩ mô nhằm siết thị trường. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tháng 6 có một đợt phát hành trái phiếu quốc tế và 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dù đã tăng so với các tháng trước nhưng vẫn thấp so với mặt bằng năm 2021.

Lãi suất có còn tiếp tục tăng?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, nhận xét lãi suất huy động dần thiết lập mặt bằng mới, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Theo bà, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối có mức tăng không đáng kể, hiện vẫn duy trì lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường khi lãi suất kỳ ngắn dưới 12 tháng không vượt quá 4%/năm, các kỳ hạn dài cũng chỉ dao động trong khoảng 5,3-5,6%/năm.

Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất, gửi tiền ở đâu nhận lãi cao nhất? - Ảnh 4.

Lãi suất huy động đang dần thiết lập mặt bằng mới, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng (Ảnh: Tiến Tuấn).

 

Trong khi đó, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân có mức tăng mạnh hơn, khi mức lãi suất cao nhất đã tăng trên 7%/năm ở một số kỳ hạn dài.

Bà dự báo lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm, dù vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

T.S Nguyễn Đức Độ cũng đồng tình lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng, tuy nhiên mức tăng không mạnh. "Các ngân hàng đã sử dụng tương đối nhiều phần room tín dụng được cấp, nên nhu cầu cho vay từ giờ đến cuối năm không lớn như nửa đầu năm. Điều này dẫn đến nhu cầu huy động vốn của ngân hàng không lớn", ông nói.

Ông Độ lưu ý thêm, lạm phát tăng không quá cao nên áp lực huy động không lớn đến mức các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm