Tin tức - Sự kiện

Người đã mắc COVID-19 thì các lần tái mắc sẽ nhẹ hơn?

Tiến sĩ Bùi Lê Minh: “Không thể tiên lượng chắc chắn người bị tái nhiễm sẽ có biểu hiện nhẹ. Bất kể bị nhiễm biến thể nào, nếu quy trình theo dõi và chăm sóc sức khỏe người bệnh được thực hiện đúng thì sẽ không có trường hợp đáng tiếc xảy ra do người bệnh chủ quan”.

Dự báo thời tiết ngày 10/3/2022: Hà Nội có mưa phùn, trời rét / Cả nước lập kỷ lục với 164.596 ca mắc COVID-19 mới trong ngày

Hiện nay, có rất nhiều người đã mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh. Triệu chứng khi mắc ở nhiều người cũng khác nhau, người thì không có triệu chứng, người thì nhẹ, người thì triệu chứng nặng hơn. Nhiều người cũng chủ quan cho rằng, mình đã tiêm 3 mũi vaccine cộng với đã mắc COVID-19 rồi thì nếu có tái nhiễm cũng không đáng lo ngại.

Anh L.T.T, 31 tuổi ở Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, khi chưa bị mắc COVID-19, bản thân anh cũng che chắn cẩn thận, luôn thực hiện 5K, bởi anh lo trong nhà còn mẹ già và con nhỏ. Nhưng trước Tết, cả cơ quan anh có đến 80% mắc Covid-19 và anh cũng nằm trong số đó.

Anh T bị mắc COVID-19 với triệu chứng tương đối nặng như đau đầu nặng và sốt cao, toàn thân đau nhức nên sau khi khỏi bệnh, anh vẫn thực hiện 5K để giữ gìn cho bản thân và mọi người. Nhưng sau Tết con gái đi học bị mắc Covid-19, anh lạitái mắc. Tuy nhiên lần này các triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều, chỉ sau 3-5 ngày anh T test lại đã âm tính.

Anh T tự tin cho rằng, mắc lại lần 2 sẽ nhẹ hơn lần 1 vì khi đó đã có kháng thể từ 3 mũi vaccine phòng COVID-19 và một lần mắc. Cùng chung tâm lý như anh T, nhiều người dù chưa mắc COVID-19 lần 2 nhưng có tâm lý chủ quan cho rằng, đã mắc COVID-19 một lần thì không còn lo ngại cho các lần mắc sau.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành)cho rằng, nhận định này có cơ sở nhưng không phải là yếu tố đảm bảo người bị tái nhiễm SARS-CoV-2 sẽ biểu hiện nhẹ. Mặc dù không thể khẳng định chính xác một người đang mang biến thể nào nếu không có các xét nghiệm phù hợp như PCR với cặp mồi đặc trưng cho vùng đột biến của Omicron hay giải trình tự, nhưng gần đây nhiều người trong những chuỗi lây nhiễm có biểu hiện gần hơn với cảm lạnh thông thường và rất hiếm có trường hợp bị mất khứu giác, cùng với kết quả đọc trình tự mẫu ngẫu nhiên do Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiến hành cho thấy Omicron đang là biến thể ưu thế nên chúng ta có thể phán đoán các trường hợp tái nhiễm phần lớn là lần sau do Omicron.

“Đây cũng là giả thuyết phù hợp với báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao hơn đáng kể với người đã khỏi bệnh sau khi mắc các biến thể trước đó. Khả năng này so với việc tái nhiễm biến thể Delta là cao hơn 3-15 lần (theo các nghiên cứu khác nhau) và thậm chí được ghi nhận với những người mới khỏi bệnh 1- 2 tháng”- Tiến sĩ Bùi Lê Minh Tiến sĩ Bùi Lê Minh phân tích.

Không thể tiên lượng chắc chắn người bị tái nhiễm sẽ có biểu hiện nhẹ

Tiến sĩ Bùi Lê Minh cho rằng, trên cơ sở này thì chúng ta có thể đánh giá xu hướng về mức độ nặng của triệu chứng dựa theo việc tái nhiễm Omicron. Biến thể này được biết tới là biến thể lây lan nhanh và có khả năng “trốn” được kháng thể sinh ra do miễn dịch tự nhiên kháng lại các biến thể trước đó hoặc do tiêm vaccine, nhưng lại thường gây ra triệu chứng nhẹ hơn và khả năng gây tổn thương đường hô hấp dưới thì không nguy hiểm bằng các biến thể trước đó. Thêm nữa là cơ thể đã có những cơ chế bảo vệ nhất định của hệ miễn dịch do lần đầu tiếp xúc với virus, cộng với tác dụng của vaccine, nên khả năng bảo vệ cơ thể chống các nguy cơ bệnh nặng cũng thường tốt hơn ở lần tái nhiễm.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành)
Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành)

Tuy vậy, Tiến sĩ Bùi Lê Minh nhấn mạnh, có những trường hợp tái nhiễm biểu hiện nặng hơn, chủ yếu do cơ thể còn chưa hồi phục hoàn toàn sau lần nhiễm đầu tiên. Chúng ta đã biết là ngay cả khi SARS-CoV-2 không còn phát hiện được thông qua các phương pháp xét nghiệm như test nhanh, PCR mẫu dịch tỵ hầu thì những hệ quả của nó gây ra cho cơ thể vẫn có thể kéo dài và cần thời gian để cơ thể hồi phục. Với những bệnh nhân mắc các tổn thương nặng không thể phục hồi hoàn toàn thì việc tái nhiễm trong giai đoạn phục hồi có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm. Ngoài ra, một số cơ chế chúng ta còn chưa hiểu rõ có thể góp phần dẫn tới biểu hiện bệnh nặng hơn ở lần tái nhiễm.

“Không thể tiên lượng chắc chắn người bị tái nhiễm sẽ có biểu hiện nhẹ, nên theo tôi mọi người không nên chủ quan và không cần thiết phải biết được mình nhiễm biến thể nào. Bất kể bị nhiễm biến thể nào, nếu quy trình theo dõi và chăm sóc sức khỏe người bệnh được thực hiện đúng thì sẽ không có trường hợp đáng tiếc xảy ra do người bệnh chủ quan”- Tiến sĩ Bùi Lê Minh nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm