Nhiều trường nghề vẫn khó tuyển sinh: Vì đâu nên nỗi?
Chính sách tài khóa - Bài 2: Hỗ trợ thuế phát huy tác dụng / Chính sách tài khóa - Bài 3: Doanh nghiệp gỗ mong sớm được hoàn thuế VAT
Các trường nghề đang bước vào những đợt tuyển sinh cuối của năm học mới. Dù có nhiều chính sách ưu tiên, thu hút nhưng việc tuyển sinh vẫn rất khó khăn. Thị trường khát nhân lực, thu nhập của công nhân kỹ thuật lành nghề không hề thấp, nhưng tỷ lệ học sinh theo học nghề chưa được cải thiện là bao và mới chỉ đạt một nửa so với mục tiêu 50%-55% học sinh vào các trường nghề vào năm 2030 mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra.
Thời điểm này, khi các thí sinh đã hoàn thành các thủ tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cũng là lúc các trường cao đẳng, trung cấp nghề chuẩn bị cho một trong những đợt xét tuyển lớn nhất năm.
Các trường nghề khó tuyển sinh
Là nơi cung cấp phần lớn nhân lực có tay nghề cho các nhà máy nhưng khối các trường cao đẳng vẫn khó tuyển sinh dù sinh viên ra trường đều được doanh nghiệp đón nhận và bố trí việc làm ngay. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này.
Sau một thời gian đắn đo giữa học nghề và đại học, cuối cùng một số thí sinh quyết định chọn trường nghề. Vẫn biết học nghề là phù hợp hơn với bản thân nhưng các em cũng không tránh khỏi tâm lý băn khoăn khi xã hội vẫn còn nặng về coi trọng bằng cấp
Là một tỉnh công nghiệp nhưng mấy năm nay, Trường Cao đẳng nghề Hải Dương tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn dù là trường chất lượng cao. Sự ra đời ngày càng nhiều hơn của các trường đại học dân lập cũng là nguyên nhân khiến số lượng thí sinh tuyển được ngày càng ít đi.
Hệ quả là, các doanh nghiệp của tỉnh muốn đăng ký để có học viên trường nghề về làm việc ngày càng khó do cung không đủ cầu.
Ảnh minh họa.
Các trường nghề khó tuyển sinh ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của các nhà máy và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi không có đủ lao động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Chính phủ từng đặt mục tiêu năm 2020, số lượng 40% tổng số học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm sẽ theo học nghề. Nhưng thực tế mới đạt 28%.
Còn đối với học sinh cấp 2, mục tiêu là 30% số em tốt nghiệp sẽ học nghề, nhưng thực tế mới đạt 16%, tức là khoảng một nửa. Đại học vẫn là giấc mơ lớn, trong khi thị trường lao động Việt Nam đang trên đà phát triển, số vị trí việc làm mới tạo ra hàng năm thấp hơn nhiều số sinh viên tốt nghiệp đại học...
Khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy: Doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên là trên 20% tổng nhu cầu nhân lực; nhu cầu trình độ nghề lại chiếm đến 65% (trong đó cao đẳng là gần 20%, trung cấp 29%, sơ cấp 17%).
Nhưng thực tế, có đến gần 80% tổng số người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Số người trình độ nghề đi tìm việc chỉ chiếm gần 20% tổng nguồn cung nhân lực (bao gồm cao đẳng là 14%, trung cấp là gần 4%, sơ cấp là gần 2%).
Ngay tại thời điểm này, thị trường lao động có tay nghề vẫn sôi động. Các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nhưng số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Kết hợp với trường nghề để tuyển dụng và đào tạo lao động đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Liên kết đào tạo doanh nghiệp và trường nghề
Ở lớp học theo hình thức kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, năm thứ nhất các em học lý thuyết tại trường nghề. Từ năm thứ hai trở đi, các em học thực hành tại doanh nghiệp. Đây cũng là thời gian để các em tiếp thu văn hoá doanh nghiệp và hình thành tác phong công nghiệp.
Vừa học, vừa làm giúp học viên nhanh chóng thành thục kỹ năng nghề. Hơn nữa, các em sẽ không phải lo lắng tìm việc sau khi ra trường. Về phía doanh nghiệp cũng sẽ không mất công tuyển dụng và đào tạo lại lao động.
Ngay ở Thủ đô Hà Nội, năm nào cuộc chiến vào trường cấp 3 công lập cũng vô cùng khốc liệt, trong khi nếu 30% học sinh THCS lựa chọn học nghề như quy hoạch của Chính phủ thì đã không thiếu trường, thiếu lớp đến mức như vậy. Nhưng phân luồng học sinh cần bắt đầu từ sự tự nguyện của từng gia đình, từng phụ huynh và học sinh. Mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh học nghề sẽ rất xa vời nếu từ trong nhận thức vẫn còn những định kiến về học nghề, cũng như thông tin chưa đầy đủ về thị trường lao động. Đây có lẽ là điểm nghẽn lớn nhất.
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm nay, trong hơn 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của thành phố có tỷ lệ như sau:
- Đứng đầu là nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 53%.
- Thứ 2 là nhóm người có trình độ từ đại học trở lên chiếm 36%.
- Thứ 3 thuộc về nhóm có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chiếm 11%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo