Tin tức - Sự kiện

Nông sản rớt giá: Bộc lộ tính bảo thủ của hệ thống phân phối

DNVN - Ông Vũ Vinh Phú- Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng hệ thống phân phối rất có vấn đề, phải đả phá tính bảo thủ của hệ thống phân phối. Và yêu cầu đặt ta là phải xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, quy hoạch lại sản xuất.

Nông sản sang Trung Quốc vẫn "tắc", doanh nghiệp cần chủ động hơn trong kế hoạch tiêu thụ / Xuất khẩu nông sản sang EU, Mỹ, Trung Quốc: Chuyên gia "bắt bệnh" những hạn chế của doanh nghiệp Việt

Là người có hàng chục năm theo dõi vấn đề tiêu thụ hàng nông sản, xin ông cho biết nguyên nhân nào có sự chênh lệch lớn giữa giá thịt lợn hơi với giá người tiêu dùng diễn ra suốt năm 2021 và hiện nay vẫn đang tồn tại?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi theo dõi rất kỹ giá thịt lợn vì thịt lợn chiếm 70% thị phần tiêu dùng. Bắt đầu từ tháng 4, tháng 5/2021, giá thịt lợn giảm, thậm chí giảm tới 40- 45 nghìn/kg, giảm 60% so với những năm trước.
Hàng trăm nghìn kg lợn hơi bị giảm mạnh nhưng giá bán lẻ ở chợ, nhất là ở siêu thị lại cao. Nguyên nhân là con lợn sau khi giết mổ đã qua quá nhiều khâu trung gian, đại lý cấp 1,2,3, rồi chiết khấu cho siêu thị.
Cùng với đó là sự chia sẻ giữa giá bán với giá giao tại siêu thị đang rất bảo thủ. Giao giá nào bán giá đó, trong khi họ thấy giá bán như vậy là bất hợp lý. Vừa qua, tôi đi 4 siêu thị thấy giá thịt lợn ở một số siêu thị vẫn hơn 200 nghìn/kg, trong khi giá lợn hơi vẫn đang giảm. Đây là mấu chốt làm cho sức mua giảm, người tiêu dùng bị móc túi một cách ghê gớm, đúng với câu muốn ăn giá thịt lợn rẻ thì lên TV.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng hệ thống phân phối đang rất có vấn đề.

Tình trạng này, theo tôi, phải xem lại hệ thống phân phối. Hệ hệ thống phân phối rất có vấn đề khiến sức cung dồi dào, người chăn nuôi nhỏ lẻ không được hưởng và người tiêu dùng phải ăn giá cao. Tính bảo thủ trong sự chia sẻ đó phải đả phá.
Chúng ta phải xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, như Hàn Quốc và các nước, họ đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ và khuyến khích điều này. Tiếp đó là giảm các chi phí vận chuyển và các chi phí khác. Các siêu thị phải mở cửa đón hàng sạch, hàng ngon, giá hợp lý phục vụ nhân dân, coi phục vụ người tiêu dùng như phục vụ gia đình mình. Bán sang tay thu lợi nhuận ai cũng muốn, nhưng lợi nhuận thế chúng ta phải xem lại.
Vừa qua, vấn để tắc biên đã trở thành chủ đề rất nóng. Người dân một lần nữa phải giải cứu. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông đề xuất giải pháp nào để tình trạng kia không tiếp tục diễn ra?
Ông Vũ Vinh Phú: Tôi theo dõi tiêu thụ hàng nông sản hàng chục năm nay, tình trạng như vừa rồi không phải là cá biệt nhưng vừa rồi là nặng nhất, kẹt xe, hàng nghìn xe thanh long nằm tắc kẹt.
Nguyên nhân là sản xuất của chúng ta không có đầu ra ổn định, xuất khẩu theo tiểu ngạch là chính, phập phù không có hợp đồng. Cùng với đó là chính sách của Trung Quốc thay đổi liên tục, dẫn đến giá thanh long quay trở lại thị trường nội địa chỉ 5-7 nghìn/kg, người dân vẫn đang phải giải cứu.
Đây không phải là vấn đề lâu dài, chúng ta phải quy hoạch lại sản xuất. Trồng cây thanh long ra chúng ta phải biết bán cho ai, bán thời điểm nào lớn nhất, thậm chí các nước có hạn ngạch để sản xuất. Tại sao chúng ta không làm như vậy?
Chúng ta đã biết, nhu cầu nội địa về thanh long không nhiều, mặc dù có tới hơn 98 triệu dân, một người dân không thể ăn quá 2 quả thanh long một ngày. Cho nên, chúng ta phải chuyên sâu, xuất khẩu phải có bài bản theo hợp đồng, đàm phán với các tỉnh biên giới và mở các thị trường ngách, thị trường các nước Đông Á, Tây Âu khi chúng ta tham gia các FTA.
Xuất khẩu thanh long cần có sự bài bản theo hợp đồng, đàm phán với các tỉnh biên giới và mở các thị trường ngách.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cần phải có các chỉ huy đầu não cung cấp thông tin, phối hợp với người dân, không chỉ hô hào đừng lên biên giới nữa. Bởi vì, đến vụ thu hoạch rồi, người dân cũng chỉ hy vọng vào thị trường Trung Quốc. Hệ thống phân phối phải nhạy cảm hơn. Khi siêu thị giá vẫn cao, trong khi chợ bán rẻ, tại sao siêu thị không rời máy lạnh ra ngoài thu mua hàng hóa có chất lượng, để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng và giúp lợi nhuận cho người sản xuất? Từ bài toán thanh long cũng như các bài toán nông sản khác xuất khẩu, chúng ta phải hiểu điều đó, nếu không sẽ rất khó cho nhiều năm khác nữa.
Trước tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều áp lực khác nữa, ông đánh giá về vai trò của các hiệp hội thời gian qua?
Ông Vũ Vinh Phú: Vai trò của hiệp hội ngành hàng đang rất yếu. Xúc tiến chung chung, không có địa chỉ cụ thể, không có kế hoạch giải tỏa hàng nghìn tấn nông sản đang bị tắc biên thời gian vừa qua. Ai bán, bán thế nào, giá nào vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Sự bảo thủ quan liêu cứng nhắc trong hệ thống phân phối, thậm chí, có những tiêu cực không loại trừ.
Về giá thịt lợn, vào cuối tháng 10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra sự chênh lệch giá bán thịt lợn, kịp thời xử lý những vi phạm nếu có. Nhưng tới giờ, Bộ Công Thương cũng như các ban ngành liên quan vẫn chưa trả lời được đúng theo yêu cầu.
Cho nên, phải minh bạch, công khai, phải tổ chức chuỗi phân phối để đem lại lợi ích cho người sản xuất, đồng thời, đem lại giá cả hợp lý. Giá thấp quá không thích và giá cao quá không ổn. Cung rất lớn nhưng cầu rất có vấn đề.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm