Tin tức - Sự kiện

Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị

Sáng 26/12, trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, các đại biểu trình bày tham luận nhằm tiếp tục khẳng định, làm rõ những kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân cả nước 5 năm qua và đề xuất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội, phong trào nông dân trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Xốc lại đội ngũ, nâng cao tinh thần làm việc / Đà Nẵng: Chợ hoa Tết Giáp Thìn 2024 được tổ chức ở đâu?

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Đại hội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh ủy Sơn La về "Phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững", "Phấn đấu đưa Sơn La sớm trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc", các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Theo đó, các cấp Hội đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, gắn tuyên truyền miệng với xây dựng mô hình, sử dụng các phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại, phù hợp với cán bộ, hội viên nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính từ các hoạt động thiết thực, hiệu quả này đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nông dân, chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.

Các cấp Hội Nông dân trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt hiệu quả cao.

Điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Công ty cổ phần mía đường Sơn La với hơn 10.500 hộ tham gia, diện tích trên 9.200ha; Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu với 558 hộ tham gia, 27.790 bò sữa...

 

Các mô hình đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho hội viên nông dân. Ngoài ra, các cấp Hội tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, cây giống, con giống, kiến thức, công nghệ sản xuất, chế biến và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh.

Đáng chú ý, để tạo nguồn vốn cho hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, các cấp Hội tập trung vận động, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn quỹ đạt gần 80 tỷ đồng, tăng trên 26 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Từ nguồn vốn của Quỹ, Hội đã đầu tư cho 877 lượt dự án, cho 2.833 hộ vay. Hội cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho trên 42.000 hộ vay thông qua nhóm hộ, với tổng dư nợ đến tháng 6/2023 đạt trên 2.500 tỷ đồng, qua đó thúc đẩy các hộ liên kết trong sản xuất kinh doanh.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La tập trung chỉ đạo xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng" gắn với xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; khuyến khích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, làm nòng cốt trong xây dựng các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã.

Đặc biệt, các cấp Hội chủ động phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy Sơn La và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và các chương trình phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho hội viên nông dân.

"Kết quả hoạt động của các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La, đưa Sơn La từ một tỉnh nghèo, khó khăn đã vươn lên trở thành "Hiện tượng nông nghiệp của cả nước", đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng cây ăn quả; với 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích 3.141 ha phục vụ xuất khẩu; xây dựng 254 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn…", ông Nguyễn Huy Anh nhấn mạnh.

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, Đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Đây là động lực thúc đẩy công tác Hội, phong trào nông dân cả nước nói chung và của tỉnh Sơn La nói riêng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Để góp phần chuyển hóa động lực này vào thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân, Đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điệu kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, trong đó Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, hội viên nông dân; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp gắn với phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo sinh khí mới cho công tác Hội và phong trào nông dân.

Trong tham luận gửi tới Đại hội với chủ đề "Kinh nghiệm trong hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, liên kết theo chuỗi giá trị", Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đề xuất các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong các đối tượng, đặc biệt là hội viên nông dân, thực sự tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức, thấy rõ chuyển đổi cơ cấu kinh tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng; liên doanh, liên kết là yếu tố tất yếu trong thực hiện nền sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm