Tin tức - Sự kiện

Phát triển năng lượng bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn

DNVN – Theo các chuyên gia, năng lượng bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam tiến dần đến mục tiêu phát thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long / Bàn giải pháp "gỡ khó" cho các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 17/3, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra Hội thảo thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại ĐBSCL. Hội thảo quy tụ các chuyên gia, các nhà khoa học, trường đại học, các sở ngành liên quan vùng ĐBSCL.

Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố với gần 4 triệu hecta, dân số khoảng 18 triệu người, có chiều dài bờ biển khoảng 740 km, không chỉ là vùng trọng điểm về nông nghiệp, thủy sản quốc gia, vùng nguyên liệu lớn trong mạng lưới nông sản toàn cầu mà còn là một trung tâm năng lượng của cả nước. Trong đó, năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối được ưu tiên phát triển.

Điện gió - chìa khóa cho năng lượng tái tạo phát triển bền vững.

Điện gió - chìa khóa cho năng lượng tái tạo phát triển bền vững.

Theo Quyết định 287/ĐĐ-TTg ngày 28/2/2022 phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sẽ phát triển vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chú trọng bảo vệ, tôn tạo phát triển hệ sinh thái tự nhiên, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi, quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực, đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân, chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Trường Đại học FPT cho rằng, tiềm năng phát triển NLTT gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và các nguồn NLTT khác còn rất lớn. Riêng tiềm năng về điện năng lượng mặt trời là 216,5 tỷ kWh/năm, gấp đôi 14 nhà máy điện than (ước khoảng 108 tỷ kWh/năm). Trong khi công nghệ phát triển nhanh, chi phí đầu tư NLTT giảm nhưng lại mang nhiều lợi ích nhiều lợi ích kinh tế và làm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Để phát triển NLTT, theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, cần nghiên cứu lại việc quy hoạch tích hợp các nguồn năng lượng, trong đó có nguồn NLTT gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, tránh làm riêng lẻ, thiếu kết nối vùng.

Giảm nhiệt điện than, tăng nguồn năng lượng tái tạo; có cơ chế chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp, người dân cộng đồng tham gia phát triển, ứng dụng NLTT để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảm phát triển bền vững các ngành truyền thống và thế mạnh ĐBSCL.

 

Theo các chuyên gia, an ninh năng lượng cùng với an ninh: lương thực, nguồn nước, mạng internet… là những vấn đề an ninh phi truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, môi trường. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng nguồn phát điện nếu quá lệ thuộc vào nhiệt điện than sẽ làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và các tác động khác.

Sấy khô cá tra bằng máy năng lượng mặt trời.

Sấy khô cá tra bằng máy năng lượng mặt trời.

Vì thế, để thúc đẩy năng lượng bền vững cần phải có các chính sách và quy hoạch vùng, ngành, quy hoạch điện VIII - xem quá trình chuyển đổi năng lượng sạch như một mục tiêu cốt lõi; loại bỏ các rào cản đối với việc triển khai NLTT, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh; đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa lưới điện để bắt kịp tốc độ phát triển của các công nghệ năng lượng sạch mới; triển khai các biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và điều tiết nhu cầu dùng điện tử các ngành kinh tế, người tiêu dùng hiệu quả; phát triển năng lượng bền vững lồng ghép với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.

 

Tại hội thảo cũng đã diễn ra tọa đàm bàn tròn với chủ đề: “Một số mô hình năng lượng bền vững góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Rở - Phó Chủ tịch xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng mô hình năng lượng bền vững, góp phần cải thiện sinh kế tại địa phương; ông Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp Hội Bạc Liêu giới thiệu về Mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh; Ths Trần Nghĩa Khang - Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học An Giang trình bày mô hình sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời, thiết bị và ứng dụng…

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm