Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồng Tháp và Kiên Giang

DNVN - Ngày 17/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương đến thăm, làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại hai tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang.

Đồng Tháp kiến nghị Bộ Y tế cấp 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 / 29 ca mắc COVID-19 ở khán đài sân vận động Đồng Tháp

Tại buổi làm việc với Đồng Tháp, ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh tại Đồng Tháp có nhiều chuyển biến tích cực nhưng số ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ tử vong có liên quan COVID-19 còn khá cao. Đây là những hạn chế mà Đồng Tháp cần sớm khắc phục để kiểm soát tình hình.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch ở cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là ở cấp xã, phát huy hiệu quả thật sự của các Tổ COVID-19 trong cộng đồng. Đồng thời lưu ý phải xét nghiệm mẫu gộp trong khu phong tỏa, có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly y tế tập trung…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long, Đồng Tháp là địa phương phát hiện ca mắc sớm, thời gian chống dịch kéo dài và rất vất vả. Với sự quyết liệt và nghiêm túc trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, đến nay tình hình đang dần tốt lên, số ca mắc COVID-19 tại Đồng Tháp có xu hướng giảm dần, cả trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và đặc biệt là trong cộng đồng.

Đối với các khu vực phong tỏa, địa phương cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm; phải khoanh hẹp nhất có thể. Trường hợp không thể khoanh hẹp thì tạm thời khoanh rộng, nhưng phải thần tốc truy vết, ngay sau đó thì thu hẹp vùng khoanh lại. Cần tập trung xét nghiệm bằng test nhanh trong 5 ngày đầu, để bóc tách thật sạch F0 ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất và triệt để.

Đồng Tháp cần thận trọng, dần mở lại các hoạt động tại các “vùng xanh” phải chắc chắn, an toàn. Tinh thần chung là phải quyết đoán, trách nhiệm. Phải sẵn sàng chuẩn bị trực chiến cho tình huống khi mở lại các hoạt động, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Phương châm là phát hiện thật nhanh, khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu.

Ông Lê Quốc Phong- Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết sẽ rà soát, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời tỉnh có sự chuẩn bị tốt cho việc thích ứng dần với điều kiện diễn biến dịch để khôi phục sản xuất, tiếp tục nỗ lực hết sức để sau ngày 30/9, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn.

Tính đến hết ngày 17/9, Đồng Tháp ghi nhận 8.086 ca mắc COVID-19, số bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị là 986 ca, số bệnh nhân xuất viện 6.903 ca, số ca tử vong 192 ca. Với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, thực nhiều giải pháp mạnh, đến nay số ca mắc Covid-19 đã giảm mạnh, nhất là ca phát hiện trong cộng đồng. Hiện tại, 4/12 huyện, thành phố của tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 8 huyện, thành phố còn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 ở mức cao. Đồng Tháp hiện còn ở mức “nguy cơ rất cao” do có từ 50% địa phương cấp huyện ở mức “nguy cơ cao” trở lên.

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Đồng Tháp.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch COVID -19.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lưu Trung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trong vòng 7 ngày qua, Kiên Giang có 1.107 ca mắc mới, trong đó 330 ca lây nhiễm cộng động, chiếm 29,8% tổng số ca mắc. So với 7 ngày trước đó, số ca mắc mới tăng 81 ca (tăng 7,9%), nhưng số ca mắc trong cộng đồng giảm 130 ca (giảm 15%). Đến ngày 16/9, Kiên Giang đã có 4.113 ca mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi 1.868 bệnh nhân.

Tín hiệu tốt khi trong 14 ngày gần đây có đến 7/15 huyện, thành phố trong tỉnh không có ca mắc mới, hoặc có nhưng dưới 3 ca trên một địa phương, nhưng là những ca phát hiện qua test tại chốt kiểm soát hoặc trong khu cách ly tập trung. Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức 3 đợt lấy mẫu xét nghiệm trên 1,6 triệu lượt người, phát hiện 838 mẫu nghi ngờ dương tính, chiếm tỷ lệ 0,051% lượt người được lấy mẫu. Quá đó, đánh giá theo nguy cơ (theo Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia), tỉnh Kiên giang có 5 địa phương vùng đỏ (giảm 2), 2 vùng cam, 2 vùng vàng và 6 địa phương vùng xanh.

Hiện, Kiên Giang đang huy động tổng lực để lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng lần tiếp theo, với mục tiêu bóc tách những ca F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian nhanh nhất và bóc tách được tất cả F0 để đưa đi điều trị. Kiên Giang đặt mục tiêu đến ngày 21/9 sẽ hoàn thành công tác xét nghiệm. Tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể hơn trong vấn đề xác định địa bàn nguy cơ theo từng mức độ và việc khoanh vùng xét nghiệm phù hợp để công tác xét nghiệm hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: TP Hồ Chí Minh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Kiên Giang đã thực hiện giãn cách gần 2 tháng qua. Trong suốt thời gian giãn cách các lực lượng và nhân dân đã có nhiều cố gắng thực hiện theo quy định để giảm nguy cơ lây bệnh. Nhưng với tinh thần không thể giãn cách mãi, vì vậy Kiên Giang phải xác định mốc thời gian cụ thể để chấm dứt.

Trong thời gian Kiên Giang thực hiện giãn cách cho thấy nơi này, nơi nọ thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng người ở nơi khác về nhưng chưa phát hiện kịp thời. Vì vậy, cần quán triệt thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Tổ COVID cộng đồng, lực lượng công an cơ sở để quản lý địa bàn.

Tỉnh Kiên Giang cần rà soát lại điều kiện tại các khu cách ly tập trung, cần phải bảo đảm an toàn cho người cách ly. Các khu phong tỏa phải thực hiện theo tinh thần hẹp nhất có thể. Khi phát hiện ca bệnh, phải khoanh vùng phù hợp, điều tra dịch tễ nhanh, chuẩn xác, tập trung lực lượng xét nghiệm thần tốc bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, kịp thời ngăn chặn lây lan trong khu vực phong tỏa. Trong công tác thống kê, phải thực hiện rõ ràng, chính xác theo hướng dẫn; tiến hành đánh giá lại nguy cơ cụ thể, chi tiết trên phạm vi tỉnh, từng huyện (thành phố) và từng xã (phường, thị trấn), từ đó xây dựng kịch bản xét nghiệm tầm soát cho phù hợp.

Phó Thủ tướng đánh giá công tác điều trị của tỉnh Kiên Giang tương đối tốt, vì vậy cần tiếp tục cố gắng thêm nữa để giảm tỷ lệ tử vong. “Cả hệ thống phải luôn trên tinh thần sẵn sàng, thực hiện đồng bộ các giải pháp không để ca bệnh tăng lên và phải giảm số tử vong” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tính Lập
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm