Tin tức - Sự kiện

TP Hồ Chí Minh tập trung các giải pháp tăng trưởng kinh tế

Đẩy mạnh cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là giải pháp để đầu tàu kinh tế của cả nước bứt phá, hoàn thành mục tiêu 7,5% trong năm nay.

Liên kết các “mắt xích” - Chìa khóa để du lịch Việt phát triển bền vững / Bạc Liêu yêu cầu gỡ bỏ biển cấm quay phim, chụp ảnh tại các sở, ngành

Các lĩnh vực tăng trưởng thấp

Kết thúc quý I/2023, tăng trưởng củađầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minhchỉ đạt chưa đến 1%, cụ thể 0,7. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước. Theo các chuyên gia, dù mức tăng thấp đã được dự báo trước, song con số thực tế còn xấu hơn cả dự báo.

Thông kê cho thấy các ngành dịch vụ trọng yếu chiếm hơn 60,4% GRDP của thành phố có đến 4/9 ngành mức tăng trưởng âm. Đặc biệt, giải ngânđầu tư côngvốn được coi là vốn mồi khơi thông nền kinh tế cũng chưa được kích thích đễ dẫn dắt kinh tế phát triển.

TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 156 dự án bất động sản bị tồn đọng chậm triển khai. Trung bình mỗi dự án có vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Như vậy thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 300.000 tỉ đồng đang bị ngâm vốn.

"Đây là một khối tài sản rất là lớn. Đó cũng là nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Các doanh nghiệp bất động sản khó khăn thì các doanh nghiệp xây dựng cũng khó khăn, tiếp theo đó là các doanh nghiệp cung ứng vật liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, kể cả các doanh nghiệp tư vấn cũng gặp khó khăn", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết.

TP Hồ Chí Minh tập trung các giải pháp tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Giải ngân đầu tư công của TP Hồ Chí Minh trong quý I cũng khá thấp. Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 phân bổ hơn 41.000 tỉ đồng. Tuy nhiên trong quý I mới giải giải ngân được hơn 1.600 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 3,87%.

Nguyên nhân là một số dự án có vốn giao kế hoạch lớn, mới được quyết định chủ trương đầu tư, hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Một số dự án đang vướng thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Trung Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh nhận định: "Các chủ đầu tư chưa giám sát chặt chẽ, chưa xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể và cũng chưa kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu chậm triển khai dẫn đến nhà thầu chậm giải ngân".

Đặc biệt, ngoại thương cũng đang gặp khó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỉ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ ngoái. Môi trường kinh doanh còn bất lợi khi trong quý I có 9.129 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có tới hơn 13.200 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động.

Tập trung các giải pháp tăng trưởng kinh tế

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay là 7,5%, đòi hỏi từ quý II trở đi thành phố phải có mức tăng trưởng vượt bậc và để có hiệu quả cần tập trung rất nhiều giải pháp.

Trước mắt TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, trong đó chỉ đạo các quận huyện tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để cuối quý II cơ bản có mặt bằng giao cho các dự án và yêu cầu các chủ đầu tư triển khai ngay các dự án hoàn thành xong thủ tục và có mặt bằng. UBND thành phố sẽ lập Tổ công tác kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "UBND thành phố yêu cầu các sở ngành các quận, huyện, từng chủ đầu tư phải lên kế hoạch cụ thể chi tiết cho từng dự án và chịu trách nhiệm cho từng cá nhân về kết quả giải ngân đầu tư công".

TP Hồ Chí Minh tập trung các giải pháp tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

Đẩy mạnh cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là giải pháp để đầu tàu kinh tế của cả nước bứt phá.

Trong 156 dự án bất động sản còn tồn đọng, TP Hồ Chí Minh đang tập trung phân loại. Những dự án nào thuộc thẩm quyền của sở ngành, quận huyện giải quyết sẽ giải quyết trong quý II. Còn với những dự án thuộc nhiều sở ngành, thành phố sẽ lập Tổ công tác giải quyết.

"Còn đối với các dự án thuộc thẩm quyền liên quan đến cơ quan Trung ương thì chúng tôi sẽ phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết các vướng mắc bất động sản để xin ý kiến và chúng tôi cũng cố gắng giải quyết sớm trong thời gian sắp tới", ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin.

Về dài hạn, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạchcũng cố các động lực tăng trưởng, tạo ra các không gian mới, động lực mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 về phát triển TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết của Quốc hội thay Nghị quyết 54 về cơ chế đột phá phát triển thành phố để tái cơ cấu lại nền kinh tế phát triển bền vững.

"Các giải pháp TP Hồ Chí Minh đang tập trung cụ thể và khả thi, dự kiến tạo tác động tích cực, một mặt giúp trực tiếp tháo gỡ khó khăn hiện tại, mặt khác là tiền đề của quá trình tái cấu trúc kinh tế theo hướng bền vững. Theo đó, mục tiêu 7,5% tuy áp lực nhưng vẫn có thể khả thi", TS Phạm Thị Thanh Xuân - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh đánh giá.

Theo các chuyên gia, các giải pháp trên sẽ giúp TP Hồ Chí Minh kích hoạt nhiều thị trường như là thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường tiêu dùng nội địa, thị trường xuất khẩu…, qua đây giúp TP Hồ Chí Minh sớm tận dụng các cơ hội tăng trưởng kinh tế.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm