Theo ông Nguyễn Văn Nhi- Phó Tổng giám đốc VEC, đó là những căn cứ mà VEC E đưa ra để quyết định từ chối vĩnh viễn hai ô tô mang biển kiểm soát nói trên.
Nghị định 32/2014 của Chính phủ có 5 chương và 22 điều. Nhưng nghị định không có một điều khoản nào cho phép đơn vị khai thác quản lý đường cao tốc được quyền từ chối phục vụ có thời hạn hay vĩnh viễn với những trường hợp như VEC cho là được quyền.
Theo Điều 10 của Nghị định 32 thì đơn vị khai thác, bảo trì chỉ được phép xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường cao tốc, các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường cao tốc, hành lang an toàn đường cao tốc.
Khoản 5 Điều 14 Nghị định 32: Nhà đầu tư, đơn vị khai thác, bảo trì chủ động, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an hoặc các lực lượng chức năng khác tại khu vực trong công tác tổ chức giao thông.
Chương 4: Trách nhiệm khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Căn cứ theo Khoản 3 Điều 20 về trách nhiệm của Bộ Công an: Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan ban hành quy định và tổ chức thực hiện việc tuần tra, điều tiết giao thông khi xử lý tai nạn và xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Căn cứ vào quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ô tô mang biển kiểm soát 51A-55850 và 51G-77256, lý do là gây rối. Vậy, theo Khoản 3 Điều 20 thì VEC đang làm thay chức năng của Bộ Công an.
Về Thông tư 90 ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT về Hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường có 4 chương và 30 điều. Tuy nhiên cũng không có một điều khoản nào quy định cho đơn vị khai thác, quản lý đường cao tốc được làm chuyện "đứng trên luật pháp" như VEC đã làm.
Quyết định số 13 ngày 10/1/2019 mà VEC ban hành được các luật sư cho là vi hiến và trái luật.
Tiền phong đưa tin, ngày 13/2, Tổng cục đường bộ sẽ ban hành quyết định thu hồi quyết định của VEC, từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định quyết định của VEC sai quyền. VEC chỉ là doanh nghiệp. Pháp luật chỉ cho phép doanh nghiệp thu phí từ chối phục vụ với xe ô tô chở quá tải, vì xe đó sẽ phá đường.
Còn trường hợp 2 xe ô tô chở người gây rối ờ trạm thu phí thì VEC phải phối hợp với lực lượng chức năng địa phương như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự...lập biên bản xử phạt hành chính.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Thạch- Vụ trưởng vụ An toàn giao thông ( Bộ GTVT) vẫn quả quyết trên báo Tiền phong rằng: Luật giao thông Đường bộ không cấm phục vụ vĩnh viễn phương tiện. Tuy nhiên, nếu chủ phương tiện vi phạm quá mức thì doanh nghiệp có quyền từ chối cung cấp phục vụ.
VEC và chủ phương tiện là hai bên cung cấp dịch vụ với nhau, nếu chủ phương tiện cố tình vi phạm khiến VEC không thể cung cấp dịch vụ, VEC buộc phải từ chối phục vụ xe đó. VEC không có quyền xử phạt phương tiện.
Theo Điều 3 Nghị định 32 của Chính phủ, cơ quan quản lý đường cao tốc là: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Mỗi năm VEC từ chối khoảng 1.000 xe ô tô vi phạm
Theo lãnh đạo VEC, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hoặc có thời hạn các ô tô vi phạm vào các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, khai thác đã thực hiện nhiều năm qua, theo quy định của pháp luật |