Cấm 2 phương tiện giao thông trên cao tốc: VEC không thể tự tạo ra luật để cấm
Lộ miếng mồi béo bở từ BOT sau vụ cướp hơn 2 tỷ đồng: Chỉ định thầu triệt tiêu tính cạnh tranh / Sau vụ bị cướp 2,22 tỷ đồng: Cấm vĩnh viễn hai phương tiện, VEC E có đứng trên pháp luật?
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên VEC E ra quyết định từ chối phục vụ các phương tiện mà VEC E cho rằng đã vi phạm quyết định 13 mà VEC đã ban hành ngày 10/1/2019.
Cao tốc Long Thành- Dầu Giây (Ảnh: VEC)
Dư luận dậy sóng, cho rằng việc VEC E ra quyết định cấm vĩnh viễnhai ô tô mang biển kiểm soát 51A-55850 và 51G-77256 lưu thông trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC E khai thác và quản lý là vi hiến và trái luật. Bởi, VEC và VEC E là doanh nghiệp chứ không phải cơ quan nhà nước. Người điều khiển phương tiện vi phạm thì đối tượng bị xử lý là người vi phạm. Mà người ra quyết định phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng- Đoàn luật sư TPHCM bày tỏ quan điểm trên báo Tuổi trẻ:
Căn cứ duy nhất mà VEC E từ chối phục vụ người dân là theo Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019, tuy nhiên đây là quy định nội bộ của một tổ chức kinh tế, không phải là quy định pháp luật. Mọi quy định nội bộ trái với pháp luật đều không có giá trị, nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
VEC là một công ty được giao quản lý và khai thác đường cao tốc, không có nghĩa xem đường cao tốc là sở hữu của mình. Đường hình thành từ ngân sách và thu lại để bù vào ngân sách đều có nguồn gốc từ tiền thuế của dân; hết thời hạn thu phí, đường là của nhà nước, của nhân dân. Nên VEC không có quyền từ chối phục vụ mà là nghĩa vụ phải phục vụ nhân dân.
Hành vi của chủ các phương tiện (bị VEC từ chối phục vụ) là sai, cần xử lý. Tuy nhiên, phải căn cứ theo tính chất, mức độ của hành vi để xử lý: nhẹ thì phạt hành chính, bồi thường dân sự; nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả có trong luật cả, VEC không thể tự tạo ra luật để cấm đoán người dân.
Quy định của VEC cũng có nhiều bất hợp lý, chẳng hạn như chỉ từ chối phục vụ các phương tiện mang biển số cụ thể nào đó. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, biển số thì gắn liền với xe, ngay cả khi đổi chủ, chiếc xe không có lỗi, nên không thể cấm chiếc xe.
Chưa kể, đường cao tốc là đường một chiều, giải pháp nào để từ chối phục vụ các phương tiện theo lệnh cấm, khi họ không thể quay đầu?
Báo Pháp luật TPHCM đăng tải ý kiến của Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM): Việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 xe ô tô có biển số nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở và trái luật.
Hiện trong các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ, thì không có bất cứ chế tài nào về việc cấm lưu hành trên đường cao tốc với lý do trước đó xe đã từng vi phạm trên hệ thống đường này.
Do đó, với vai trò của đơn vị vận hành, khi phát hiện các vi phạm nêu trên, họ phải báo cho lực lượng CSGT để kịp thời xử lý. Trong trường hợp có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định.
Luật sư Lê Văn Hoan ( Đoàn Luật sư TPHCM) khẳng định; Quyết định số 13 của VEC ngày 10/1/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý và khai thác, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể cấm phương tiện giao thông.
Trường hợp người tham gia giao thông vi phạm thì họ phải bị chế tài quy định của pháp luật.
VEC: "Tự thú" trước bình minh
Ông Lê Hồng Điệp, vụ trưởng vụ Quản lý - bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trả lời trên báo Tuổi trẻ: Tổng cục đã yêu cầu VEC báo cáo chính thức về việc ngưng tiếp nhận vĩnh viên hai phương tiện vào đường cao tốc.
Tổng cục sẽ căn cứ vào Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, các quy định luật giao thông để đối chiếu xem VEC có đủ thẩm quyền được cấm hay không, đối tượng bị cấm có đúng không bởi việc cấm phải có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
"Nhưng theo quan điểm của tôi, người ta có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không có luật nào xử lý phương tiện cả. Bởi tài sản nó được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản", ông Điệp nói.
Còn ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - nói thông thường các xe đã vượt qua đăng kiểm thì được lưu hành, còn nếu có vi phạm thì xử lý lái xe.
Dư luận cho rằng, VEC E đang "dương đông kích tây", đưa thông tin báo chí về các sự cố trên đường cao tốc TPHCM-Long Thành- Dầu Giây vào ngày 11/2, trong đó có nội dung là từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe ô tô mang biển kiểm soát 51A-55850 và 51G-77256 lưu thông trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC E khai thác và quản lý, lý do gây rối, là để dư luận lãng quên vụ cướp 2,22 tỷ đồng tại trạm thu phí Long Thành- Dầu Giây còn nhiều "góc khuất" mà dư luận cho là cần phải minh bạch- dù VEC khẳng định chắc như "đinh đóng cột" rằng: Việc thu phí của VEC sáng tỏ như trăng rằm.
Hiện VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Còn một dự án đang triển khai thi công là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại