'Liệt sĩ' trở về sau 26 năm nhận giấy báo tử
Kiên Giang: Cháy chợ lúc rạng sáng, 30 ki ốt bị thiêu rụi / Nước sông, hồ Hà Nội có hàm lượng dầu mỡ cao
Ông Ngô An Dương (SN 1958) tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Năm 1978, ông lên đường nhập ngũ vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 đóng quân tại tỉnh An Giang.
Ông Dương sau đó cùng đơn vị sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Và cũng từ đó, gia đình không có tin tức gì về ông Dương.
Đến ngày 31/8/1993, gia đình nhận giấy báo tử, ghi rõ ông Dương hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích. Một năm sau, ông được công nhận liệt sĩ.
Ông Dương chậm rãi kể lại, quá trình chiến đấu tại Campuchia, ông bị bắt làm tù binh cùng 2 người tên Tân và Việt. Sau đó, ông trốn thoát ra ngoài. Nhưng do bị thương ở vùng đầu nên ông mất trí nhớ nên sống lưu lạc ở Campuchia.
Sau đó, ông được một người phụ nữ làm nghề nông cưu mang, giúp đỡ rồi nên duyên vợ chồng và có với nhau 3 người con.
“Thời gian đó do vết thương trên đầu nên trí nhớ tôi kém. Tôi không thể nhớ quá khứ và không nhớ được nhà. Tôi liên tục phải điều trị, bốc thuốc. Hơn 2 năm trở lại đây, trí nhớ tôi phục hồi và tôi nhớ được mọi thứ nên tìm kiếm thông tin để về nhà”, ông Dương cho biết.
Cuối năm 2018, ông Dương gặp được người đàn ông tên Dần (trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sang bán máy làm gạch. Biết là người bên Việt Nam sang, ông Dương tiếp cận rồi làm phiên dịch giúp và sau đó hỏi thăm để nhờ báo tin về gia đình.
“Ông Dần báo tin về cho địa phương, sau đó địa phương báo về cho gia đình tôi. Lúc đầu gia đình cũng nghi ngờ. Nhưng sau gọi điện sang hỏi thăm và anh ấy đọc tên chính xác từng người, nhớ từng chi tiết nên chúng tôi biết chính xác là anh Dương còn sống rồi. Gia đình ai cũng vui mừng và mong anh trở về để được gặp”, anh Ngô Xuân Cảnh (em trai ông Dương) chia sẻ.
Đến ngày 26/2, sau nhiều tháng làm thủ tục, ông Dương đã tìm về gia đình mình. Sau 40 năm mất tích và 25 năm được công nhận liệt sĩ, khi hình ảnh ông Dương cùng người phụ nữ (vợ) bước vào đến ngõ người thân, bạn bè chạy ùa ra khóc nức nở.
“Nó cùng vợ về đến cổng, tôi và mọi người nhận ra ngay. Khuôn mặt già đi nhưng không thay đổi. Cả nhà ôm chầm lấy nó khóc. Nó về là vui sướng rồi, chẳng mong gì hơn”, ông Ngô An Ninh (bố đẻ ông Dương) vui mừng.
Ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân cho biết, khi nhận được thông tin các cơ quan, ban ngành cũng đã tới thăm hỏi, đồng thời phía phòng sẽ làm báo cáo lên Sở LĐTB&XH, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan để có căn cứ giải quyết, xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo